THÁNH MẪU CÓ HÓA GIẢI TẤT CẢ VẬN HẠN VÀ NGHIỆP CHƯỚNG CỦA THANH ĐỒNG?

Có rất nhiều thanh đồng sau khi trình đồng mở phủ thì họ có một niềm tin là khi trở thành con nhà Thánh, nhà Mẫu, những cái tai ương nghiệp chướng, những vận hạn sẽ được Thánh che chở và hoá giải. Vậy cho con xin hỏi là niềm tin ấy của một số người nghĩ như vậy có đúng không? Liệu Thánh Mẫu có thể hoá giải tất cả những vận hạn và nghiệp chướng cho họ không? Kính mời Quý hội viên và độc giả lắng nghe chia sẻ của Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh về vấn đề này!

Tôi trả lời ngay, đừng mơ tưởng như vậy! Tôi nhắc lại, chúng ta đừng mong cầu là sau khi cắt tóc làm tôi để làm con nhà Thánh, bao nhiêu hạn hoạ tai ương được thổi đi hết. Không có đâu! Bởi chúng ta vẫn thấy phảng phất đâu đây các thầy vẫn ốm. Các thầy mở phủ cho ta những người có sứ mệnh làm thầy bên cửa nhà Thánh. Họ cũng đi vòng tròn như chúng ta trên đường đạo, cũng có thịnh và có suy. Lúc thịnh là thiện nghiệp hiển lộ, còn lúc suy thoái là ác nghiệp đã đến. Khi chúng ta gặp hạn chúng ta thường có một thói quen đó là các oan gia trái chủ. Ở đây tôi nói luôn không phải oan gia của ngày xưa, không phải trái chủ của ngày xưa mà chính là tất cả những cái ác nghiệp này tích lại sẽ có một đội quân gọi là sứ giả đi thi hành án.

Tôi nhắc lại, bao nhiêu nghiệp ác, nghiệp xấu được tổng kết lại theo luật định của trời đất và giáo lý nhân quả của các tôn giáo thì sẽ có một đoàn quân là sứ giả cầm đủ sắc ấn dấu lệnh trong tay để đi xử phạt theo nhân – quả. Còn rất có thể mà không may bị bỏ thuốc độc cho người ta chết, người ta cao đức người ta lớn phúc người ta đi sang Nhật đầu thai, hợp và tan nó hết một chu trình họ không còn dừng ở cõi trung giới hoặc ở cảnh giới nào đó để đi báo oán xong họ mới đi đầu thai. Cho nên, điều này chúng ta đi vào đời sống tâm linh chúng ta phải thấu hiểu và nạp vào hành trang của chúng ta nhân – quả rất công bằng.

Vì thế, như tôi nói lần trước có những người phải ra đồng nhà Thánh vì nợ trời. Nợ là phải trả. Trả bằng nhiều cách, trong đó có trả cả bằng lễ. Bởi trong tất cả các mối quan hệ, nếu chúng ta nợ những chư vị vô hình ở một cảnh giới nào đó thì tôi xin thưa “lưới trời khôn thoát”. Cho nên, ai chưa tin thì hãy về đọc quyển kinh Từ Bi Thuỷ Sám Pháp sẽ thấy, họ sẽ đòi chúng ta bằng được. Dù có đi tu ở chùa cũng còn phải ốm. Làm đồng, thầy cũng gặp hạn hoạ tai ương. Chúng ta là học trò của nhà Thánh thì không bao giờ được phép mong cầu là làm một quả lễ ra một vấn hầu bao nhiêu hạn hoạ tai ương các Ngài xá cho thổi bay đi hết, xin thưa chuyện này không có.

Tại sao ta phải làm lễ? Tạ ơn Thánh Mẫu cho con ra hầu bóng để con giầu thêm đức tin, để con hiểu sức mạnh của thiên nhiên có những lúc chi phối vào con và đã chi phối được vào con thì con sống tốt Mẹ Thiên Nhiên biết. Giây phút nào, thời khắc nào làm sai Mẹ Thiên Nhiên thấu tỏ.

Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh chia sẻ trong buổi sinh hoạt CLB trong chủ đề "Tín ngưỡng Thờ Mẫu".

Trong một quả lễ, tôi thấy nhà nào cẩn thận bao giờ họ cũng làm một cái điệp văn để sám hối tội lỗi từ bao đời bao kiếp trong gia đình huyết thống và tội lỗi ngay cả kiếp này cửa Phật, cửa Trời, cửa Đền, cửa Phủ đều rộng mở các Ngài không cấm người tốt mới được đi lễ. Bật mí cho các vị một điều, chùa to đến mấy, nhỏ đến mấy, đền phủ to đến mấy nhỏ đến mấy cũng không thể thiếu được hai ông hộ pháp - một bên là ông Thiện, một bên là ông Ác. Ý các Ngài muốn nói, thiện - ác ngay ở trong con. Cửa Trời rộng mở, nếu con làm việc sai quấy, con làm việc ác, nếu con làm việc giữ cửa Trời vẫn rộng mở cửa Phật vẫn rộng mở chỉ khuyên người đi lễ hãy quỳ xuống mà sám hối. “Sám” là nhận lỗi; “hối” là đoạn tuyệt không sai lần thứ hai. Cho nên, nghĩa sám hối chúng ta cứ đọc một lèo nhưng thật ra nó có hai cung bậc: “Sám” là nhận tất cả những cái gì con làm sai, con làm quấy do tham - sân - si, do nghi, do mạn, do kiến thủ, do kiến chấp. Còn “hối” là con nhận lỗi, con đoạn tuyệt, con không sai nữa.

Tôi rất mong cả nhà, kể cả Đạo Phật, Đạo Trời, Đạo Thánh Mẫu nghĩa lý của lễ đều giống nhau tất cả. Chúng tôi rất mong, nhờ có Nghĩa, có Lý của lễ mà để cho chúng ta tỏa sáng về mặt trí tuệ, có ngồi đồng cũng để sản sinh ra trí tuệ, có tụng kinh Phật cũng để sản sinh ra trí tuệ, chứ không phải chúng ta đi chùa, đi đền để chúng ta thỏa mãn mong cầu.

Khi có trí tuệ, tôi xin thưa, gặp vận, gặp hạn chúng ta qua nhẹ nhàng và bấy giờ chúng ta nhìn được ra đó là nghiệp lực, đây là cơ hội để cho chúng ta được trả. Một sự diệu kỳ, nếu chúng ta dùng trí tuệ để soi rọi thì hạn ấy đi qua rất nhanh. Tâm khảm chúng ta không nuôi phiền não nữa và hạn đi qua nhanh, tâm chúng ta không nuôi phiền não thì tâm của chúng ta an, sức khoẻ của chúng ta tốt hơn, chúng ta sẽ được rất nhiều thứ trong một kiếp làm người.

Vậy nên tôi xin thưa một lần nữa, “chỉ có đức năng mới thắng được số”. Kể cả lập các trai đàn rất to ở chùa 3 ngày hay 7 ngày, chúng ta thắm duyên được các bậc Lạt Ma, đạo sư trợ đàn cũng chỉ giúp cho chúng ta sáng tỏ thêm giáo lý của Phật, của trời. Sáng tỏ thêm nhân quả để chúng ta tạo thêm nhiều việc đức, việc thiện mà chúng ta gọi là thiện nghiệp, hoá giải tất cả các cái chướng ngại mà chúng ta quen gọi là hạn hoạ, tai ương.

Các bậc chân tu cũng phải mệt mỏi, chúng ta tụng kinh thì thấy khi người ta cúng dường, người ta cũng cúng cả thuốc men, có nghĩa: Đã sống làm người ở cõi thế gian này không ốm không đau, không gặp chướng ngại trên đường tu đấy mới là lạ. Ai mà ngưỡng mộ đạo nhà Thánh lại được những người dẫn truyền nói “làm đi, bao nhiêu tai họa sẽ tan hết” thì cái đó cũng chưa thật sự yên tâm, thiếu tính thuyết phục. Ta giải hạn cho ta, hạn có thể diễn ra mười, nhưng nếu chúng ta biết trồng nhiều việc thiện, làm nhiều quả đức thì tự nhiên sẽ được những nguồn năng lượng tích cực trong thiên nhiên giải cho 1, 2, 3, 4, 5, 6 hoặc 7 phần.

Cho nên tôi nhắc lại, nhờ có Lễ, nhờ có làm con tôi nhà Thánh, nhờ chúng ta đi chùa, nhờ đọc kinh hàng ngày, chúng ta hành thập thiện đấy là gốc và đấy là nguyên lý để cho chúng ta giải hạn.

Theo Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh