2022-09-05 00:00:00.0

CÁCH PHÂN BIỆT CÁC PHƯƠNG THỨC THỰC HÀNH TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU

Kính mời Quý hội viên và độc giả đón đọc những chia sẻ của Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh về cách phân biệt các phương thức thực hành tính ngưỡng trong Đạo Mẫu!

Những người có căn duyên với nhà Thánh thì mỗi người đến với nhà Thánh lại có một phương thức thực hành tín ngưỡng tâm linh khác nhau. Có những người thì đến với nhà Thánh để đội bát nhang, có những người thì tiễn căn, có những người phải trình đồng mở phủ, có những người phải mở điện, thậm chí có những người phải thực hiện sứ mệnh tâm linh của mình. Vậy làm thế nào để biết căn cơ như thế nào phải đội bát nhang? Căn cơ thế nào để trình đồng mở phủ? Căn cơ thế nào phải mở đền (điện)? Căn cơ thế nào để trở thành những người thầy mà thậm chí có căn tâm linh để thực hiện sứ mệnh đó? Kính mời quý hội viên và độc giả đón đọc chia sẻ từ Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh!

Tôi nhắc lại, vòng tròn Đạo Bản Địa đã có các cấp độ khác nhau:

  • Thứ nhất, nhẹ nhàng người ta gọi đội bát nhang.
  • Thứ hai phải tiễn căn hoặc trả nợ Tam Tứ Phủ.
  • Thứ ba phải ngồi đồng.
  • Thứ tư phải lập điện thờ tại gia, một mình một đền một điện.
  • Thứ năm có những người phải ra chùa to, đền lớn mà ở.

Thưa tất cả các Quý vị! Ai cũng có căn nhưng căn ở cấp độ nào thì chúng ta chọn phương pháp Đạo Mẫu? Trong những năm tháng được thực hành và học tập, tôi thấy nó chưa có một mô tuýp nào. Hôm nay tất cả chúng ta trăn trở thì cho tôi nói điều này, chúng ta phải cảm tạ các bậc học trò mà được Đạo Mẫu tuyển làm học sinh và những con người chúng ta quen gọi là căn cao số nặng – là những người có cấu trúc đặc biệt, có duyên lành từ kiếp trước, người có công năng dị biệt hay nhà ngoại cảm theo ngôn ngữ đương đại. Nhờ tính linh, khả năng tuệ giác của các bậc học trò ấy mới có khả năng dự báo, tư vấn và chỉ dẫn cho chúng ta nếu như đi vào Đạo Mẫu.

Chúng ta phải tĩnh lặng để cảm ơn các bậc thầy. Họ cũng phải lao tâm khổ tứ, cũng phải trà lên, sát xuống, trong Đạo Mẫu người ta gọi họ có những thời gian gọi là bị cơ bị hành. Nếu chúng ta hiểu khái niệm cổ là “Cơ”, “Hành” thì tôi xin mọi người thông cảm và hiểu cho rằng: Cơ Hành là những năm tháng các cửa huyệt được mở, hệ thần kinh bắt đầu có sự biến động bởi những trường tương tác trong thiên nhiên. Nếu ai rơi vào hoàn cảnh này sẽ thấy xin không được, trốn cũng không xong. Khi nó bắt đầu bị nhiễu loạn có nghĩa hệ thần kinh cao cấp khai mở. Khi khai mở, họ chưa thích nghi dẫn đến sự biến động vô cùng về cả thân lẫn tâm. Nếu chúng ta đứng ngoài để cảm thông thì theo tôi còn giản đơn lắm. Chỉ ai đã vào trong cuộc thì mới thấm thía một câu trong dân gian tổ tiên chúng ta nói “sạch sành sanh ra manh áo đỏ” hay “làm cho trăm chứng hiểm nghèo”.

Tuy vậy, vì là vô thường nên cái gì đến rồi cũng sẽ đi và những con người ấy phải có những năm tháng sang chấn chịu đựng rất nặng nề thì những con người ấy mới có khả năng để làm một công việc dẫn đường, định hướng, tư vấn cho bách gia trăm họ. Tôi xin thưa, việc này không phải ai cũng làm được mà phải là những người có cơ số cấu trúc cá biệt.
Các thầy nhờ cái tâm sáng, đức rộng vô vàn, có trách nhiệm với bách gia trăm họ thì chỉ đường dẫn lối giúp đỡ người ta chọn phương pháp tín ngưỡng tâm linh rất chuẩn mực.

Ngược lại, có những người vì sức mạnh của danh, của tiếng, thậm trí của cả đồng tiền nên khi tư vấn cho bách gia trăm họ nhiều khi hơi vội vàng. Chính vì thế, tôi rất cầu mong tất cả những bậc thầy của Đạo Mẫu chúng ta phải công phu tu tập rèn luyện để chúng ta sẽ trở thành một bậc thầy - chính là người trợ duyên cho bách gia trăm họ. Bởi vì nếu thầy chỉ sai tội thì thầy chịu, người dân là trăm sự nhờ thầy.

Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh chia sẻ trong buổi sinh hoạt chủ đề "Tín ngưỡng Thờ Mẫu".

Vì vậy tôi xin thưa, sống ở trên đời khó nhất là sống ở dương mà phải làm việc âm. Cái công việc này nó giống như chúng ta chỉ đường, chỉ sai chỉ lạc bà con phải quay trở lại ngã ba ngã năm chúng ta lỗi đạo rất nhiều. Vì thế cho nên trong tín ngưỡng của Đạo Mẫu nó không chỉ có một việc là lễ mà nó có 5 cấp. Vì có 5 cấp nên vai trò vị trí của các bậc thầy vô cùng quan trọng.

Tôi lấy ví dụ: Công việc đội bát nhang là công việc làm một nghi thức tâm linh để xin với Thánh Mẫu cho con được làm học trò của Ngài. Học trò của Thánh Mẫu cũng không khác gì các phật tử tại gia vì nó là một con đường, khác chăng là chúng ta chưa đủ đức tin nên chúng ta nương vào Đạo Mẫu để xây dựng lòng tin rằng con người là sản phẩm của thiên nhiên, chúng ta sống gần Mẹ Thiên Nhiên hơn thì giầu thêm lòng tin hơn.

Chúng ta có thể đội bát nhang ở tầm thấp làm con nhà Thánh hoặc có thể đi quy để hướng đến giáo lý cao cả của nhà Phật. Nó đều có một cái giống nhau là chúng ta tự nguyện để xin một tấm thẻ sinh hoạt Câu lạc bộ tâm linh. Nội dung chẳng khác gì nhau vì đạo cao nhất chính là đạo để làm người, người phải tử tế. Cho nên, chúng ta chọn bất kỳ một hình thức nào thì cũng không thoát ly ba chữ: ĐẠO LÀM NGƯỜI.

Nếu như các bác, các anh, các chị có con, cháu chẳng hạn đến tuổi 18 đôi mươi cần làm những thủ pháp tâm linh để có một tấm thẻ học sinh, một tấm thẻ sinh hoạt câu lạc bộ tâm linh thì khi chia sẻ với các bậc thầy khi chia sẻ với các vị đạo sư đừng vội vàng chỉ có đánh trống ghi tên mà nên kiến nghị xin thầy giải thích tại sao cháu nhà con phải đội bát nhang? Tại sao cháu phải tiễn căn? Tại sao cháu phải ngồi đồng? Tại sao với cấu trúc này nên quy Tam Bảo? Hiện nay chúng ta thiên về pháp, chúng ta buông về lý. Cha mẹ nào, ông bà nào cũng muốn cho con cháu mạnh khỏe, trí tuệ, thành đạt sự nghiệp, giỏi giang và hạnh phúc. Xong, chúng tôi nhắc lại: ai cũng có căn. Căn chính là khái niệm chỉ số cấu trúc năng lượng thần kinh của con người. Rất tiếc cho đến bây giờ, các nhà khoa học thực nghiệm chưa thể kiến tạo ra cái máy đo căn.

Thế nên, tôi rất mong tất cả Quý hội viên chúng ta nhà nào có con cháu trưởng thành, khi làm các nghi thức tín ngưỡng tâm linh chúng ta phải dừng lại một nhịp, có sự suy nghĩ chín chắn, có sự chia sẻ trong gia đình và nhất là chia sẻ với người phải làm công việc đấy. Từ cả Đạo Phật đến Đạo Thánh cũng nên như vậy.

Một lần nữa, tôi xin thưa, đây là một công việc chúng ta phải biết lắng nghe và ít nhất chúng ta phải có một chút kiến thức, hành trang trong đầu để khi gặp các bậc thầy phán xét thì bản thân chúng ta phải biết xử lý thông tin nên hay không nên? Nên nghĩa nó như thế nào? Không nên lý nó ra làm sao? Chúng ta không nên vội vàng cúng lấy được, lễ lấy được. Cái đó sẽ dẫn chúng ta đi vào con đường tâm linh thiếu sự tỉnh thức.

Theo Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh

***Bài viết được trích dẫn chia sẻ của nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh trong buổi sinh hoạt tập thể lần thứ 22 của Câu lạc bộ Thức Thiện Tâm về chủ đề “Tín ngưỡng Thờ Mẫu”.