2022-08-23 00:00:00.0

“9 PHẦN DUYÊN, 1 PHẦN NỢ” KHÔNG CẦN HẦU ĐỒNG MỞ PHỦ?

Trong buổi sinh hoạt lần thứ 21 của Câu lạc bộ Thức Thiện Tâm (31/7/2022), chị Trần Thị Thu Hà có chia sẻ từng được Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh nói rằng “Cô nhìn con thì có 9 phần duyên và chỉ 1 phần nợ thôi, như thế không phải trình đồng mở phủ”. Vậy căn cứ vào đâu mà bà Phan Oanh lại đưa lời khuyên như vậy? Kính mời quý hội viên và độc giả đón đọc những chia sẻ của Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh dưới đây!

Cảnh giới của chúng ta đặc thù là gì? Đặc thù của Trái Đất này là gì? Tôi xin thưa, đặc thù của Trái Đất này là nhị nguyên, tức là 2 mặt của một vấn đề. Nếu như trong con người chúng ta có căn thiện, thì hãy nhớ có cả căn ác. Chúng ta sẽ không thể tìm người nào toàn mầm thiện để chọn làm con dâu hoặc con rể được. Chỉ có một cái khó đây là mã số bí mật mà các nhà khoa học thực nghiệm chưa chế tác ra được các cỗ máy để soi, để chụp, để đánh giá tỷ lệ thiện ác trong con người, chưa kể nó còn quay, nó còn vận hành như vũ bão.

Cho nên, duyên nào cũng có nợ và nợ nào cũng có duyên. Giống như chị Thu Hà (hội viên CLB Thức Thiện Tâm) nói, tại sao tôi nhìn vào con người của chị ấy tôi dám tiên lượng 9 phần duyên, 1 phần nợ. Nợ nên mới lấy chồng và vào một cái đất có một ngôi đền để thay mặt các bậc phụ huynh trông nom cái ngôi đền ấy.

Việc thứ hai, khi chúng ta học đạo, tôi rất mong các cụ, các ông, các bà, các bác, các anh, các chị phải đồng quan điểm rằng, chúng ta đừng quá máy móc để nói đâu là duyên đâu nợ. Vì trong duyên có nợ, trong nợ có duyên. Cho nên, Đức Phật mới dùng một khái niệm “ngũ uẩn giai không”, mà cái chữ “uẩn” này là vô tận các mối liên hệ, từng bó, từng mớ, từng vô tận… xoắn suýt lại với nhau. Những con người thực hành tâm linh như chúng tôi khi cần cái thẻ học trò trên tay, chúng tôi phải tu dưỡng rèn luyện để có một chút khả năng cảm nhận được đâu là duyên, đâu là nợ thì mới dám thực hành tâm linh. Điều này phải dùng linh giác, phải dùng những cái khả năng mà con người ấy phải công phu nát xương lòi da tu tập mới ra được những cái cảm thọ này. Và tôi nhắc lại, cảm thọ vẫn là tầng rất thấp khi nói chuyện về nhà Phật.

Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh và nhà báo Hoàng Anh Sướng.

Nhân quả là duyên kiếp hợp tan

Những người có nợ Tam Tứ Phủ nói nôm na là nợ trời thì cái nợ này từ đâu? Nó từ nhiều nhiều nhiều kiếp trước chúng ta đã phạm đạo, chúng ta đã làm tổn đức. Tôi lấy ví dụ: Ra chùa chắp tác ăn cắp của chùa, ra đền chắp tác lấy tiền của Mẫu. Hay đắp đê phòng lụt nhưng bớt xén tiền hộ đê mang về nuôi con, nuôi cháu cho ăn cho học, đùng một cái nó bị bệnh thận, thủy bị tổn hại. Vậy thì đây có phải là nhân quả? Đi xây đền, đi xây chùa hết có 5 tỉ, mình khai lên 7 tỉ để chia nhau, trời biết, đất biết, quỷ thần biết, vô hình biết, lưới trời khó thoát. Thế tất cả những cái đó mình đã tạo ra cái nhân bất thiện chưa chắc đã bị quả báo nhãn tiền,vì sao? Vì cái vị làm việc ấy là một ngôi sao sáng, bản mệnh vững, vận nhà đang thịnh thì không bị quả báo ngay. Nhưng khi ngôi sao tắt thì con cháu trong dòng họ, trong gia đình huyết thống lúc sinh ra các thế hệ hậu sinh kế tiếp sẽ đón được các hạt năng lượng của vũ trụ vào đầu thai. Năng lượng càng thấp, năng lượng càng lạ, các năng lượng hạt sáng hạt đó càng cá biệt thì sẽ sản sinh ra những hậu sinh căn cao, số nặng hay căn cao nghiệp nặng. Hãy từ bi để chúng ta trong gia đình huyết tộc chúng ta sẽ đón được những hạt sáng vào làm con làm cháu.

Những người nếu tổ tiên họ làm các việc phạm đạo thì con cháu sẽ mắc các loại bệnh trầm kha. Tôi lấy ví dụ: đột biến gen, lỗi gen hoặc ăn của trời, ăn của nước thì kiếp này sẽ gặp các vị sứ giả thuộc của nhà quỷ đến làm ăn cùng với mình và họ lấy toàn bộ tiền của mình – tiền đã ăn cắp của ông trời, của đất nước ra sông, đấy là nợ. Cho nên, nó có ngàn vạn cái nợ và tổ tiên chúng ta đã nói: Mỗi người cái nợ cầm tay, và chúng ta xuống đây, cảnh giới này để đi trả nợ. Bất kỳ một đứa trẻ nào ra đời cũng phải cất tiếng khóc, khiếu nói, sau đến khiếu ăn khai mở rồi đến mở mắt chào đời, nuôi dưỡng tiếp theo.

Đi vào lĩnh vực này tôi chỉ biết nói, chúng ta phải tin nhân quả và nhân quả trong cái minh triết của trời Phật nó là duyên kiếp hợp tan. Tôi dám thưa, chỉ có tạo hóa mới công bằng còn Trái Đất chúng ta nó là nơi để học, để tu sửa, để rèn luyện, vì vậy không có công bằng rất khó công bằng.

Tại sao người Việt Nam lại có một câu tục ngữ: yêu cho vọt, ghét cho ăn. Do vậy, có những anh, những chị đồng hành với tôi nhiều khi ngồi uống trà đạo có nói với tôi rằng: Bà ơi, con chỉ chắp tay con xin với các đấng bề trên với đấng vô hình hãy cho con lộc theo đúng nhân quả của nhà con, còn con là cảm phàm nhân trò con non, đạo còn nhỏ, con cắn rơm cắn cỏ xin các đấng thiêng liêng đừng thử con về cung lộc, bởi thử là con dễ tham, vì cái mầm tham mình mới thấy nó lấp ló trong con người mình chứ mình tu mình chưa đến mức nhận diện nó một cách thật rõ ràng.

Vậy từ “lấp ló” đến “nhận diện”, rồi từ “nhận diện” đến đẩy nó ra khỏi con người mình là cả một chặng đường. Nên giữa nói và làm đó là con đường dài nhất, mà Đạo Phật là đạo thực tiễn, phải hiện hữu ngay trong công việc hàng ngày từ gia đình đến xã hội, chứ không phải nói những lời ái ngữ theo tinh thần nịnh bợ, xum xoe. Tôi luôn luôn tâm đắc một câu: Mặt Trời là thật, Mặt Trăng là thật và sự thật là thật. Ở cõi phàm nhân này, thế gian này, Trái Đất này chỉ có 3 thứ thật. Mây cứ vần cứ vũ rồi mây sẽ qua đi và Mặt Trời lại tỏa sáng. Bao nhiêu lớp mây đen bao phủ Mặt Trăng lại hiền từ và con người chúng ta hãy nói lời chân thật mà nhà Phật gọi là bồ đề tâm.

Trong duyên có nợ, trong nợ có duyên

Cả nhà phải thấu tỏ, tu tâm, tu đức, tu sức khỏe, tu tài và tu lộc. Lòng bàn tay này là duyên, mặt bên này là nợ. Duyên - Nợ là một cặp phạm trù. Khi đi học đạo, người ta phải đòi hỏi âm dương đương nhiên trong cái vòng tròn của đạo, nhưng còn hai từ nữa là “cân đối” thì lại rất ít người để ý, kể cả những các bậc thầy. Làm sao để tạo ra âm dương nhưng phải cân đối và cái cân đối ấy nên Phật mới dẫn chúng ta và chỉ cho chúng ta: Con ơi còn có một con đường chúng đạo. Còn hiện nay, chúng có âm có dương nhưng nó đang nghiêng ngã, cho nên cái tâm của chúng ta vẫn là tâm điên đảo.

Nhưng hãy nhớ một điều, cấu trúc cơ thể năng lượng sinh học nợ nhiều hơn duyên, 70% là nợ, có 30% là duyên. Vậy nên tôi rất mong, kể cả các thanh đồng, hãy dừng lại một nhịp để xem, mình đến cửa nhà Thánh, chọn một cái phương pháp tín ngưỡng tâm linh này chỉ cần từ 3 đến 5 năm. Nếu tĩnh lặng thì chúng ta có thể nhìn vào ván cờ của chúng ta và tự kết luận được là duyên hay nợ, không phải đi hỏi ai. Tôi nhắc lại, tất cả các thanh đồng có thể làm việc nà. Cứ nhìn chặng đường mình đã đi thì đều có thể kết luận mình nằm trong mã số là duyên hay là nợ. Duyên hãy cứ tỏa sáng, nợ cần rất cần hài hòa, vì đi lễ Mẫu phải có ngoài nhân tâm phải có nhân tài vật lực.

Tổ tiên chúng ta cũng nhắc khéo một câu: Ghen vợ ghen chồng không bằng ghen đồng ghen bóng. Cho nên, đạo đồng khó như vậy, đạo đồng vi diệu như thế, đạo đồng các vị Thánh là người mở cánh cửa để cho chúng ta đi vào đường đạo. Một lần nữa ngày hôm nay chúng ta bàn về Đạo Mẫu, chúng ta hãy tri ân, tạ ơn, hồn thiêng sông núi, nguyên khí quốc gia đã ngưng tụ ở cửa nhà Thánh, các Ngài là các bậc sứ giả dẫn dắt chúng ta đi vào con đường đạo chân chính. Chúng ta hãy xin tri ân, tạ ơn hồn thiêng đất nước, nguyên khí quốc gia. Xin cảm ơn!
 
Kính mời quý hội viên xem toàn bộ buổi chia sẻ buổi sinh hoạt 21 tại đây!