LIỆU TÌNH YÊU THƯƠNG CÓ ĐỦ ĐỂ NÓI VỀ ĐẠO LÀM CHA MẸ?

Ai sinh ra cũng là những đứa con rồi sau này ai cũng sẽ là những người cha, những người mẹ. Và có lẽ là học cả đời để làm cha mẹ cũng không hết được bài. Vậy liệu có phải tình thương yêu là đủ để chúng ta nói về Đạo Làm Cha Mẹ không hay Đạo Cha Mẹ còn có những cái gì khác ở trong đấy nữa? Kính mời Quý hội viên và độc giả lắng nghe chia sẻ của Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh!

Bài chia sẻ được trích dẫn trong buổi sinh hoạt lần thứ 23 của CLB Thức Thiện Tâm với chủ đề “Đạo Làm Cha Mẹ”.

Tình yêu thương của các bậc làm cha, làm mẹ là vô bờ bến. Nhưng nếu cái yêu thương ấy đặt trên chữ Đạo thì mới chỉ là một nội dung, là một phần rất nhỏ. Như nhiều lần trước tôi đã trao đổi, đã đàm đạo, ĐẠO LÀ MỘT VÒNG TRÒN. Trong vòng tròn này, nó chứa không biết bao nhiêu âm luật. Đó là định luật của càn khôn, quy luật của trời đất. Vạn vật tương tác bên nhau, trong đó con người.

Xong, yêu thương là bản năng. Nói như Đức Phật, yêu thương là bài thuốc màu nhiệm để giúp chúng ta giải khổ thành vui, biến mê thành giác. Vậy tôi rất mong các bác, các anh, các chị dừng chân tại đây chúng ta cùng luận đàm chữ đạo. Theo lẽ của các bậc Thánh Hiền:
+ Đạo làm con.
+ Đạo làm vợ chồng.
+ Đạo làm cha mẹ.
+ Đạo với giang sơn đất nước mình sinh ra.
+ Đạo với trời đất.
+ Đạo với huynh đệ nội ngoại trong nhà.
+ Đạo với bằng hữu.

Đây là bẩy mối quan hệ vô vàn quan trọng, hoà quyện với  ba chữ “Đạo Làm Người”. Hôm nay chúng ta chưa nói chuyện đạo làm con, chưa nói chuyện đạo làm vợ chồng. Hôm nay chúng ta nói chuyện với nhau một cái bổn phận, một cái nghĩa vụ, một cái quyền cao nhất trong bàn tay, ngón tay cao nhất là Đạo Làm Cha Mẹ.

Cha mẹ và con cái được gắn kết với nhau bằng khái niệm nhân duyên. Cho nên, cuộc đời chúng ta trùng trùng duyên khởi. Tôi lấy thêm một hình tượng nữa cho giản đơn. Chữ đạo này giống như câu chuyện cổ tích Việt Nam “Cây tre trăm đốt”. Huyền thuật thần thoại là “Khắc” và “Nhập”.

Chúng ta có một cái lỗi khi làm người, là cây tre ấy ta khắc xuất mà lại quên khắc nhập. Do đó, đôi lúc chúng ta làm cha làm mẹ, chúng ta nhìn ở một bình diện nào đấy, ở một góc độ nào đấy, một hệ quy chiếu nào đấy vì ta quên nhập để đảm bảo tính nhất nguyên của vũ trụ là “Thiên - Địa - Nhân đồng nhất lý”.

Tôi rất muốn hôm nay chúng ta nói chuyện và đàm đạo với nhau chuyện của người lớn. Đã là người lớn ai cũng được làm cha, ai cũng được làm mẹ. Bàn tay chúng ta có 5 ngón, tôi được tác ý: Đạo làm con là số 1; Đạo vợ chồng là thứ 2; Đạo làm cha mẹ là thứ 3; Đạo với giang sơn đất nước là thứ 4; Đạo với thiên nhiên, vạn vật muôn loài là thứ 5. Đạo làm cha mẹ là ngón tay cao nhất. Lẽ của tạo hoá khi chúng ta trưởng thành, xây dựng gia đình là có con và chúng ta sẽ trở thành cha, thành mẹ. Lẽ thường tình, lẽ của trời đất nhưng tôi muốn buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Thức Thiện Tâm hôm nay, chúng ta nhấn mạnh về bổn phận, về nghĩa vụ, về công phu để chúng ta học làm người và nội dung cao quý là “Đạo Làm Cha Mẹ”.

Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh (bên phải) chia sẻ trong buổi sinh hoạt Câu lạc bộ.

Tôi xin thưa các Quý vị! Tính đến hôm nay tôi được khai duyên điểm đạo 39 năm 9 tháng 16 ngày. Nhờ duyên lành này tôi được gặp gỡ, tôi được hầu chuyện không biết bao nhiêu người. Mỗi người là một mã số, mỗi người là một nhân một quả, mỗi người là một cuộc cờ. Cuộc đàm đạo hôm nay tại sao lại phải dùng chữ “Đạo Làm Cha Mẹ”? Tôi xin thưa, trong bản thể của chúng ta có hai phần mang tính nhị nguyên. Đó là cái tinh hoa nhất - những hạt thiện lương và có cả những cái ô trược được cài đặt, được tàng, được ẩn trong bản thể trái tim khối óc của chúng ta. Đây là sự giỡn đùa nghiêm khắc của tạo hóa. Nếu không dừng lại một nhịp thì chúng ta sẽ sử dụng quyền làm cha mẹ bắt các con phải nghĩ như ta, phải nhìn giống ta, phải làm được như ta. Tôi xin thưa: Nghĩ thế sai rồi.

Tại sao? Nếu trong gia đình truyền thống của người Việt Nam có ông bà, cha mẹ, có 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 người con. Mỗi gia đình sẽ có những vòng tròn lớn và nhỏ khác nhau. Và trong cái vòng tròn của đạo ấy, mỗi người đứng một chỗ. Con có thể giống cha như hai giọt nước nhưng tạo hóa không xếp hai cha con đứng cùng một chỗ. Tôi nhắc lại, đây là nguyên lý của vũ trụ. Trong một đoàn thể cũng vậy, trong một họ tộc cũng thế. Việt Nam chúng ta hiện nay có gần 100 triệu người thì cái đường đạo của Việt Nam sẽ có gần100 triệu chỗ đứng. Nếu hành tinh chúng ta có 8 tỷ người thì chúng ta hãy tin cái vòng tròn lớn ấy có 8 tỷ chỗ đứng. Tạo hoá không xếp hai người đứng một chỗ.

Tôi nhắc lại: Đây là nguyên lý vũ trụ. Cho nên, hai đứa trẻ đẻ cùng một giây, một phút, một giờ, một ngày, một tháng, một năm nhưng sẽ có hai cuộc đời khác nhau. Tại sao? Vì giây phút đẻ là giây phút thứ hai để môn dịch học người ta tính các mã số. Còn tôi được thiên nhiên dậy, cái giây phút quan trọng nhất để chúng ta sinh ra được quý tử hay nghịch tử là giây phút thụ thai. Và giây phút thụ thai bao giờ cũng là mã số bí mật. Có giỏi thiên cơ lý số như thân mẫu Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì cũng không thể mang cái mong muốn của mình đặt trên những quy luật của tạo hoá để thoả mãn mong cầu. Cho nên, Ngài sinh ra người con thứ hai với một người chồng thứ hai thì Ngài đã ngửa mặt lên Trời và nói rằng: “Dù có giỏi thiên cơ lý số đến đâu cũng không cưỡng được mệnh giời”. Vì Đức Bà muốn đẻ ra một bậc Hoàng Đế, một hiền tài cho đất nước chứ không phải sinh ra ông Trạng. Vì vậy, trong các vòng tròn lớn nhỏ ấy, cái bổn phận làm cha mẹ chúng ta phải có cái nhìn gốc gác.

Chỗ đứng khác nhau, hệ quy chiếu khác nhau, điểm rơi tự do khác nhau - ba cái này cổ xưa gọi là căn cơ. Người xưa đã phân loại:Thượng căn, Trung căn, Hạ căn và Tiện căn. Nếu đẻ cùng một giây như đã đề cập lúc nãy: Thượng căn là Tướng quân, còn Tiện căn là tướng cướp. Cũng là tướng đấy thôi, cũng tiền hô cũng hậu ủng nhưng một người mang lại lợi ích cho giang sơn đất nước, cho bá tánh trăm họ. Còn một người làm tướng cướp, làm khuynh thành đảo địa, làm mất trật tự vũ trụ.

Buổi sinh hoạt hôm nay tôi rất muốn chúng ta phải có cái nhìn, cái nhận mang tính nguồn cội, gốc gác. Đấy là đốt tre số 1, nơi đó sản sinh ra chữ “TÂM” và tôi xin thưa tất cả các bậc Trí, Sỹ, Công, Nông, Thương cho đến bây giờ, khoa học phát triển nhưng chúng ta chưa có một cỗ máy để cân đong đo đếm được chữ TÂM.

Sinh ra con có những đứa trẻ vào làm con chúng ta để đền ơn đáp nghĩa. Là con ta nhưng còn đóng thêm một vai hành giả của tạo hoá để mang đến niềm vui, hạnh phúc, mang đến sự an lạc cho các bậc cha mẹ. Và nếu như Duyên - Nợ là một cặp phạm trù thì trong nhiều gia đình cũng có những người con vào làm con để báo ân đòi oán. Còn chúng ta làm cha làm mẹ, ai cũng muốn con ta cháu ta sinh ra trong vòng tay của ta phải đền ơn phải đáp nghĩa. Một thực tế vô vàn nghiêm khắc là chúng ta xuống đây là phải đi học. Vậy khi chúng ta đi học không chỉ có nhận mà nhận - trả là một cặp phạm trù đồng hành với nhau. Nó giống như hai mặt của một đồng tiền chúng ta không tách ra được. Vì vậy mà hàng ngày tôi được hầu chuyện với mọi người tôi thường nói, hãy chuẩn bị tinh thần, hãy chuẩn bị cả nhận thức, chuẩn bị cả lòng vị tha cả tình yêu tình thương. Bởi vì, nếu như trời cho ta có trai, có gái, có dâu, có rể một cỗ này thế nào cũng có một anh hoặc chị khó tính. Chứ ta không bao giờ được phép ta đi học đạo ta đòi các con trai, con gái hoặc các con dâu, con rể nó giống như ta. Lý là vậy, lẽ là thế để khi chúng ta làm cha làm mẹ, có đôi lúc mẹ cũng hờn duyên, mẹ cũng tủi phận. Nhưng nhờ tình yêu thương và phẩm hạnh, vị tha gia đình chúng ta, sóng gió có đến rồi sẽ qua đi. Trong việc này còn có thêm hàm nghĩa, nếu như chúng ta không chuẩn bị những điều đơn giản này thì không thể gọi chúng ta xuống đây để học. Học phải có rất nhiều phép thử, rất nhiều khoa thi. Rất có thể sản phẩm của chúng ta là các học trò bất hảo, có thể con ta vào để đòi nợ. Cho nên, những ai không may rơi vào hoàn cảnh này, theo tôi, TÌNH YÊU THƯƠNG CHƯA ĐỦ MÀ CẦN PHẢI HIỂU ĐẠO. Hiểu nó một vòng tròn này để duyên đâu ta nhận, nợ đâu ta trả không có cái gì vô duyên vô cớ cả đâu.

Một lần nữa, tôi xin thưa các cụ, các ông, các bà, các anh, các chị! Trái Đất của chúng ta không phải là nơi hưởng mà là nơi đi học, nơi thử thách. Và trên cái vòng tròn chúng ta đi, chúng ta gặp rất rất nhiều các chướng ngại vật. Nếu ai đã quan tâm đến số phận thì bao giờ cũng có tính tò mò, có thể chia sẻ với bạn, có thể cầu mong bạn hữu lập cho chúng ta một lá số tử vi cho con ta, cho cháu ta thì trong lá số tử vi có 12 cung - 12 chướng ngại. Là người thức đạo, tôi dám khẳng định không ai được ưu tiên và không có một nhà toán học cao cấp nào có đủ tài năng để lập trình 12 ông sao Thiện quay vào gặp nhau cùng một lúc. Bởi vì, 108 ngôi sao ứng chiếu xuống thế gian có 36 ông Thiện, có 36 ông Trung Dung và có 36 ông Hung Tinh. Vị nào là viện sĩ viện toán học cũng không đủ tài năng để lập trình chọn một cái giờ sinh để 12 ông sao Thiện hội tụ vào một khắc cho đứa bé ra đời.

Tôi muốn nói, trong con người chúng ta còn rất nhiều các mã số bí mật. Xong, ở đây ai cũng được làm cha làm mẹ, ai cũng được làm con thì tôi rất muốn cuộc trao đổi đàm đạo hôm nay, chúng ta không thể nhầm tình yêu thương với đạo. Nó là một phần, là một bài thuốc cao quý mà Đức Phật đã chỉ dạy. Nếu chúng ta mở được cổng thành yêu thương, chúng ta biết tu luyện thì cái tình yêu thương ấy chúng ta sẽ mở toang được cánh cửa này ra và nó sẽ là suối nguồn chảy không bao giờ cạn. Chúng ta hãy dùng phương pháp yêu thương để có thể chữa lành mọi chướng ngại, mọi vết thương. Nhưng chỉ yêu thương thôi chưa đủ. Cho nên, tôi rất mong tất cả các quý vị có mặt trong khán phòng ngày hôm nay chúng ta cùng suy nghĩ điều này. Nếu nói điều gì chưa trọn vẹn thì tôi rất mong chúng ta có thể phát biểu ý kiến nói quan điểm của mình để chúng ta làm cha, làm mẹ hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, là gương sáng cho con chúng ta học.

Chữ đạo trong đời sống vật chất, chữ đạo trong đời sống tinh thần thì Câu lạc bộ chúng tôi còn tha thiết mong cầu mỗi khi chúng ta gặp nhau thế này chúng ta chia sẻ đàm đạo chúng ta phải đạt được đến chữ đạo theo khuôn vàng thước ngọc. Đó là đời sống tâm linh. Đời sống tâm linh nó là minh triết, là chân lý.

Xin cám ơn tất cả các cụ, các ông, các bà, các bác, các anh, các chị!