NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA NGÀY LỄ VU LAN

Lễ Vu Lan diễn ra vào ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Ngày lễ Vu Lan năm 2022 rơi vào Thứ Sáu, ngày 12 tháng 8 dương lịch.

Lễ Vu Lan hay là Rằm tháng 7 là ngày lễ được người dân Việt Nam rất coi trọng. Đây không đơn thuần là một ngày lễ mang ý nghĩa tôn giáo (Phật giáo) mà còn là ngày để con cái báo đáp công ơn sinh thành của cha mẹ, tìm về cội nguồn yêu thương, làm trọn đạo lý “uống nước nhờ nguồn” đối với tổ tiên.

Nguồn gốc lễ Vu Lan

Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Phật giáo ghi trong kinh Vu Lan Bồn. Theo đó, Mục Kiền Liên – một trong những đại đệ tử của Phật Thích Ca đã cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ ở địa ngục. Mẹ của Mục Kiền Liên được kể là một người tham lam, độc ác, sống xa hoa và không tin vào Tam Bảo. Còn cậu bé Mục Kiền Liên thì có tính hiền lành, chịu khó.

Vì vậy, tất cả mọi người xung quanh đều yêu mến cậu. Sau khi mẹ qua đời, Mục Kiền Liên đã xin xuất gia theo học Phật và trở thành 1 trong những đại đệ tử của Đức Phật. Sau khi tu thành chánh quả, Mục Kiền Liên đã dùng tuệ nhãn kiếm tìm khắp nơi trong trời đất và cuối cùng lại nhìn thấy mẹ mình đang ở trong loài ngạ quỷ. Thương mẹ, Ngài đã xuống cõi ngạ quỷ dâng bát cơm đầy cho mẹ. Nhưng tiếc thay, người mẹ còn tham lam, quá sân si nên bát cơm liền biến thành lửa.

Mục Kiền Liên không có cách nào cứu được mẹ nên liền quay về hỏi Đức Phật. Đức Phật dạy rằng: "Dù ông có thần thông quảng đại như thế nào cũng không đủ sức cứu mẹ ông. Chỉ có một cách là nhờ sự hợp lực của chư tăng khắp nơi, sau 3 tháng an cư kiết hạ cùng tập trung chú nguyện mới có thể chuyển hoá được nghiệp lực giúp mẹ ông thoát khỏi cảnh khổ".

Mục Kiền Liên làm theo lời Đức Phật, vào ngày 15/7 âm lịch thì cung thỉnh chư Tăng, sắm sửa lễ cúng. Sau đó, mẹ của Ngài được giải thoát. Trong dịp này Đức Phật cũng dạy: Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này mà làm. Ngày lễ Vu Lan ra đời từ đó.

Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan

Lễ Vu Lan là một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất - một tập tục đáng quý, đáng trọng của người Việt, thể hiện đạo lý "ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Lễ Vu Lan không chỉ dừng lại là báo hiếu đối với bố mẹ ở kiếp này mà còn là đối với cha mẹ ở nhiều kiếp trước. Trong quan điểm của Đạo Phật, mùa Vu Lan báo hiếu vào tháng 7 âm lịch là “tháng báo hiếu” nhằm giáo dục lòng hiếu thảo cho con người. Dân gian thường gọi tháng 7 là tiết xá tội vong nhân, vì nhờ ơn của Đức Phật mà tất cả các vong linh bị đọa trong chốn khổ đau được siêu thoát.

Phật giáo quan niệm phải yêu thương tất cả mọi loài, kể cả những người không mồ không mả, chết không thờ tự. Khi còn sống, nếu ông bà, cha mẹ "có tội" thì khi xuống âm phủ cũng bị đọa vào chốn khổ đau theo luật nhân quả. Những người đó còn gọi là những cô hồn. Cho nên, khi cúng cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ bao giờ người ta cũng cúng cho cả những người đó, để cho tất cả đều được hưởng phước lộc.

Một mùa lễ Vu Lan nữa lại sắp đến. Đây là dịp để mỗi người chúng ta sống chậm lại, biết yêu thương, chia sẻ nhiều hơn giữa cuộc sống ngày càng hối hả, là dịp để mỗi người con chúng ta hướng lòng thành kính đến các đấng sinh thành, những người đã có sinh dưỡng mỗi người con chúng ta.