CHA MẸ KHÔNG HẠNH PHÚC: LY HÔN HAY TIẾP TỤC VÌ CON CÁI?

Khi xã hội phát triển, ngày càng nhiều các cặp vợ chồng chung sống với nhau và cũng rất dễ dàng đi đến quyết định ly hôn khi mà vợ chồng không hợp nhau nữa. Lúc đó bài toán đưa ra con cái sẽ như thế nào? Liệu rằng chúng ta sẽ tiếp tục ở lại với nhau chung sống vì con hay là chúng ta sẽ sống cuộc đời hạnh phúc của chúng ta và con cái nó cũng sẽ nhìn theo để mà khi bố mẹ hạnh phúc thì con cái sẽ hạnh phúc? Kính mời Quý hội viên và độc giả đón đọc những chia sẻ của Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh về vấn đề này dưới góc nhìn đạo!

Đây là một câu hỏi khó và ở một bình diện rất rộng. Cuộc đời này có rất nhiều điều không muốn nhưng nó vẫn cứ đến. Khi nó đến thì chúng ta cần gì? Theo tôi cần một chữ đạo để chúng ta có cái nhìn tròn trịa, để cho chúng ta vượt được phong ba bão tố. Quan trọng là để cho chúng ta không tạo ra ác nghiệp nữa.

Mọi cuộc chia ly không nói nguyên nhân, không đổ tại cho trời mà theo tôi cái quan trọng nhất là tại cái Tôi và cái Ta của chúng ta quá lớn. Trong một gia đình, người đàn ông là “nhật”, người phụ nữ là “nguyệt”. Nhật - nguyệt mà tranh uy, cả hai đòi cùng tỏa sáng một lúc, không phân định cho ánh dương phần “nhật” là ban ngày, ban đêm là mặt trăng thì theo tôi còn mất trật tự. Khi đã mất trật tự rồi khó an bình, khó hạnh phúc.

Cho nên, tất cả bà con chúng tôi chỉ có một tâm nguyện làm sao những buổi sinh hoạt CLB đánh những tiếng chuông thức đạo để mong mọi người nhìn chữ đạo tròn trịa. Chúng ta xuống đây trả nợ, ngàn vạn lần tôi chỉ mong cầu mọi người đừng tạo ra nợ mới. Nợ cũ trả chưa xong, nợ mới lại vào nhà rồi thì chúng ta còn luẩn quẩn trong vòng luân hồi bao giờ nữa. Chúng ta tưởng chúng ta tu nhưng buồn thay chúng ta không tiến mà chúng ta lại đang cài số lùi. Tất cả cái này vì cái Tôi và vì cái Ta.

Tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu các cặp đôi uyên ương tìm hiểu nhau thề non hẹn biển, rồi cuối cùng phải chia ly. Hai tác giả để lại những tác phẩm ở đời. Có người gửi cho ông bà bên nội hoặc bên ngoại, có người đi xây dựng lần nữa. Tôi không nói đúng hay sai vội mà ở đây tôi muốn nói chúng ta đã tự làm cuộc cờ của chúng ta khó ra rất nhiều. Cái này không đổ tội cho trời, không được phép đổ tội cho số phận mà đổ tội cho ta thiếu đi tâm đạo, thiếu lòng vị tha, thiếu sự chia sẻ. Đây là một hiện tượng rất nhiều trong xã hội.

Có những người họ đến bên tôi để họ chia sẻ thì tôi thường nói với họ Đạo Vợ Chồng cũng giống như Đạo Làm Người của muôn vàn người khác. Đã nên vợ, nên chồng thì Mẹ Thiên Nhiên cũng vô cùng nghiêm khắc rất hiếm để sắp đặt chồng 5, vợ 5 thành 10. Vì cõi này là cõi học, cõi này là cõi tu cho nên toàn 6-4, 7-3, 8-2, nói như các cụ vô phúc thiếu đức là 9-1.

Nhưng với lăng kính của đạo thì tôi lại mong người 9 phần phải hiểu rằng đời này, kiếp này chúng ta lấy một người vợ này, hoặc người chồng này là Mẹ Thiên Nhiên đang giao phó cho chúng ta để cảm hoá, để giúp đỡ cái người 1 phần lên 1,1 1,2 1,3… Sau mười năm lên 2 phần, sau 50 năm lên 3 phần thì công đức ấy vô lượng. Theo tôi ít người nhìn về cội nguồn, gốc gác, lý lẽ này mà chỉ thấy bực mình, thấy không thỏa mãn, thấy hờn duyên, thấy tủi phận là chúng ta làm một phép tính công bằng xã hội.

Tôi làm việc này tôi thường nói rất trang nghiêm: Chỉ có tạo hoá mới công bằng. Còn chúng ta làm người ở thế gian này đương phấn đấu để có công bằng chứng tỏ cuộc đời một kiếp nhân sinh chưa có công bằng. Tôi có thể chứng minh ngay, người tốt gặp toàn người khó tính, người tử tế gặp toàn những người không tử tế. Và cõi phàm trần – mà chữ “phàm” này mang hàm nghĩa cơ số vênh. Vì thế các bác phải đi học đạo thôi.

Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh.

Tôi đi tầm đạo nhưng đạo ở đâu? Đạo ở khắp mọi nơi. Đạo ở khắp mọi chỗ. Đạo trong từng cuốn sách tìm mãi, tìm mãi. Đạo trong các Thầy, những người khai thị. Trong các thầy giáo, trong dân gian nhưng cuối cùng đạo ngay trong trái tim mình. Có nghĩa mình phải khai tâm thiện, phải mở cái cánh cổng thành này nhưng thưa nó ở bên trong chứ nó không phải đồng hành với 6 giác quan nhìn ra bên ngoài. Vì vậy, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh tôi không thể nói cái khổ của những người li dị. Không ai muốn nhưng cái Tôi bớt đi, cái Ta bớt đi. Đạo mà toả sáng từ bi được mở ra, yêu thương được mở ra, lòng tha thứ được mở ra thì chúng ta không làm phức tạp thêm cuộc cờ. Còn nếu như chúng ta thiếu đi chữ đạo thì tôi dám nói chính chúng ta đã làm ván cờ khó hơn.

Có rất nhiều người bắt buộc phải chia li bởi cái người có đạo đã làm hết khả năng. Sau 5 năm, 7 năm, 10 năm họ mang cả Tâm Đạo, họ mang cả mọi pháp cương và nhu. Khi họ đến sẻ chia với tôi thì tôi bảo, bạn là người thua cuộc, bởi vì bạn không khai thị được cho họ. Bạn trả nợ hết lần này đến lần khác. Bây giờ sức bạn đã tàn, lực bạn đã kiệt rồi mà người kia chưa chuyển, thậm chí còn hư hơn thì tôi khuyên bạn cờ nhu hay cờ cương bạn tự quyết định.

Và nếu như bạn quyết định giải tán thì bạn nên thắp một nén nhang với với một tấm lòng chân thật để thưa với Đức Phật, để thưa với Mẹ Thiên Nhiên, để thưa với vị tinh tú trên trời đó là Thần Nguyệt lão, để thưa với tổ tiên rằng, con không đủ tài trí, con không đủ đạo lực và nội lực để con cảm hoá người này. Bởi vì sao? Bởi vì trong trái tim của người đàn ông (hay người đàn bà) không còn chỗ đứng của con và tình yêu nó đã chết lặng rồi, không đánh thức được nữa. Thì theo tôi chúng ta cũng phải đi đến một cuộc cờ kết thúc, giải tán.

Xong, duyên thì hết nhưng nợ và phận vẫn còn - đó là những đứa con do hai người sinh ra. Trong cái thế cờ này, bằng kinh nghiệm tôi được chứng kiến sự chia sẻ của bách gia trăm họ, người cao đạo phải gánh phải vác, phải lo phải nhận thôi chứ mình không thể trao những đứa trẻ cho những người họ đang mê mờ. Cho nên mê và ngộ là cả những vấn đề vô vàn quan trọng. Cái quan trọng là khi chúng ta đón nhận để chăm lo những đứa trẻ chúng ta phải buông sự hờn hận. Và chúng ta sẽ thưa với Mẹ Thiên Nhiên rằng, hãy cho con nghị lực, hãy cho con trí tuệ, hay cho con tình yêu thương, hãy cho con công ăn việc làm, hãy cho con hoa lộc chân chính để con hoàn thành nhiệm vụ làm cả mẹ, làm cả cha (hoặc làm cả cha, làm cả mẹ).

“Dĩ nhất biến, ứng phải vạn biến”. Tôi chỉ mong mỏi một điều ai rơi vào cái hoàn cảnh này đừng làm tổn thương các trẻ. Vì các trẻ không có lỗi gì, lỗi của người lớn. Những cuộc chia tay không muốn nó vẫn cứ diễn ra, nó cũng được đặt trong lòng của chữ đạo.

Tôi rất mong cả nhà đừng đổ tại đây là số phận, đừng đổ lỗi cho trời. Đây là một chướng ngại vật rất lớn và chúng ta ứng xử làm sao hãy lấy khuôn vàng thước ngọc Đạo Làm Người để chúng ta hành xử. Mong sao cho trong ấm, ngoài êm. Tôi thấy có những cặp chia tay rồi họ vẫn chung lưng đấu cật để chăm lo cho các con. Cởi mở chân tình như bạn hữu, cũng rất nhiều gương sáng học khi rơi vào cảnh ngộ ấy. Cho nên, chúng ta từng nhà, từng dòng họ có những hoàn cảnh éo le tôi chỉ mong mỏi một điều: ván cờ khó đừng tạo thêm nghiệp ác nghiệp xấu nữa. Một ván cờ khó đừng làm tổn thương các con. Vì chúng ta đi học đạo, chúng ta phải đạt được cái đích cuối cùng là không làm khổ mình và không làm khổ người. Cho nên, tất cả các tôn giáo, tất cả các tín ngưỡng chân chính đều là các giáo lý, đều là các phương pháp để cho chúng ta làm người làm sao để chúng ta có cái tâm bình an, có cái gia đình bình an. Còn hạnh phúc ư? Ai cũng mong cầu nhưng để ra hạnh phúc tôi xin thưa cả nhà không dễ. Cái quan trọng ta phải biết xoay tâm nhìn vào mình để xem vị thế của ta, cái tôi cái ta đứng chỗ nào thì ta mới chiến thắng được chính chúng ta.
 
Xin cám ơn!
 
*** Bài viết được trích dẫn từ chia sẻ của Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh trong buổi sinh hoạt câu lạc bộ Thức Thiện Tâm lần thứ 23 về chủ đề “Đạo Làm Cha Mẹ”.