ĐẠO LÀM CHA MẸ TƯỞNG DỄ NHƯNG RẤT KHÓ

Chúng ta thường nghĩ rằng con cái đến với ta là lẽ đương nhiên, là cái tự nhiên. Nhưng hãy dừng lại một nhịp và suy nghĩ, xem ta đã chuẩn bị hành trang gì để làm cha mẹ hay chưa? Ta sẽ dạy con như thế nào? Hay ta đã thực sự hiểu về Đạo làm cha mẹ?

Đạo làm cha mẹ là gì? 

Hãy thử hình dung khi có con, chúng ta cần làm những gì để nuôi dạy con khôn lớn: giáo dục con, chăm sóc con hay kể cả mắng con, đánh con,... tất cả đều là đạo làm cha mẹ. Vì thế, Đạo làm cha mẹ chính là tất cả những gì mà cha mẹ làm cho con cái. 

 

Vậy chúng ta nên làm gì để thực hiện tốt Đạo làm cha mẹ? 

 

Cha mẹ phải là gương sáng cho con soi

Thưa quý hội viên, trẻ con khi mới sinh ra đều là một trang giấy trắng, con sẽ học cách ăn, cách nói từ những người thân thiết xung quanh mình. Nếu cha mẹ không bao giờ văng tục thì gia đình ấy con cái không bao giờ nói hỗn, cha mẹ không cờ bạc hiếm lắm mới có nhà con quậy phá, cha mẹ không trai trên gái dưới thì tỉ lệ con hư về dục vọng nó chỉ chiếm 0,03%. Chính vì thế, nếu muốn con mình có những đức tính tốt: trung, hiếu, lễ, trí, tín thì cha mẹ cũng phải có những đức tính đó và phải là gương sáng cho con noi theo. 

Thế nhưng cha mẹ cũng là con người, có thói hư tật xấu mà trong giáo lý nhà phật gọi là tập khí xấu đang tiềm ẩn trong khối óc và trái tim chúng ta. Hay nói theo góc nhìn của Đạo thì cha mẹ nào cũng có hai phần: thiện - ác, sáng - tối, thanh - trược, đúng - sai, phải - trái. Chính vì lẽ đó, để làm gương cho con cái, chúng ta cần phải thẩm thấu Đạo làm cha mẹ để kìm hãm những thói xấu và phát huy những tập tính tốt. 

Hãy thử quay lại nhiều năm về trước, ông bà, cha mẹ ta đã dạy những gì? Liệu những điều đó có thực sự lỗi thời hay không? Theo tôi, cách dạy của cha mẹ xưa có nét hà khắc nhưng nếu chúng ta biết vận dụng đúng cách thì sẽ thấy được tổ tiên chúng ta rất giỏi. Ngày xưa ai ăn cắp, cãi lại cha lại mẹ, ai hủ hoá đều xấu hổ vô cùng. Phải chăng đó là những định ước và gia quy làm cho con người nhìn thấy phải tự nguyện sửa đổi. Còn bây giờ chúng ta có lẽ đã phá vỡ những quy luật này. Có rất nhiều bậc cha mẹ luôn khuyến khích con cái có bầu trước khi cưới để tạo cảm giác chắc chắn. Thế nhưng không phải ai yêu nhau cũng đi đến hôn nhân viên mãn, dẫn tới một hiện tượng rất phổ biến hiện nay đó là mẹ đơn thân nuôi con. Như vậy, chính phụ huynh đã tiếp tay cho những lần dại khờ của con mình, khiến cho tương lai của con trở nên khó khăn hơn rất nhiều.  

Trong phật giáo, có 3 điều chúng ta nên bỏ đó là: tham, sân, si. Nhưng theo tôi, chỉ ba điều này thôi là chưa đủ, chúng ta còn cần phải từ bỏ thói nghi ngờ và bảo thủ nữa. Bởi nếu luôn sống trong nghi ngờ và bảo thủ sẽ khiến con người ta mất đi sự tin tưởng lẫn nhau. Cha mẹ không tin vào con cái, các con không tin vào cha mẹ, đây là điều vô cùng quan ngại. 

Chính vì thế, chúng ta cần phải học Đạo, chắt lọc những giáo lý của người xưa và tinh hoa của hiện đại, trở thành tượng đài, là ánh sáng và tấm gương cho con cháu noi theo. 

 

Cha mẹ phải biết suy nghĩ cho con

Hiện nay trên thế giới và trong tương lai là Việt Nam sẽ rất phổ biến hiện tượng con cái gửi cha mẹ vào trại dưỡng lão. Liệu hành động này có phải là các con chưa thực hiện tốt đạo làm con hay không? 

Theo tôi, chúng ta cần có những góc nhìn khách quan và xa rộng hơn. Tôi biết có nhiều bậc phụ huynh rất bảo thủ và lạc hậu: “Tôi nuôi anh chị, chăm lo cho anh chị nên cơ thành ngũ, đến bây giờ lại đẩy bố mẹ vào trại dưỡng lão”. Thế nhưng, chúng ta đã nhìn thấu những vất vả của các con hay chưa? 

Thời đại phát triển, cuộc sống có nhiều thay đổi, con người cũng phải điều chỉnh bản thân để phù hợp với thời cuộc. Thực thế, không một doanh nghiệp nào chấp nhận cho nhân viên nghỉ hàng tháng để hoàn thành việc riêng của bản thân, bởi một nhân viên chính là một móc xích trong hệ thống nhân sự, chỉ cần móc xích đó đứng lệch quỹ đạo sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến cả công ty. Chính vì thế, cha mẹ không thể nào áp đặt con cái phải thường xuyên bên cạnh và chăm sóc mình thì mới trọn Đạo làm con. 

Hơn nữa, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong cuộc sống còn rất nhiều vấn đề phát sinh. Nếu như cha mẹ luôn bảo thủ với quan điểm của mình, sẽ khiến cho không khí gia đình căng thẳng, con cái cũng không thể hạnh phúc. Chính vì thế, chúng ta cần phải nhìn xa trông rộng, hiểu người hiểu đời cũng là một cách để thực hiện Đạo làm cha mẹ. 

 

Cha mẹ phải biết cương đúng lúc, nhu đúng chỗ 

Muốn con ngoan, nhu - cương là một cặp phạm trù. “Cương” là phải đánh, “Nhu” là phải ban. Thế nhưng không phải cứ con sai là sẽ đánh, bởi “Con giun xéo lắm cũng quằn”, đòn roi nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con và khiến chúng trở nên vô cảm với những lần bị đánh. Thay vào đó, sau những lần đánh con, cha mẹ hãy nói với trẻ một câu: “Cha mẹ đánh con là cha mẹ đương đánh vào mình, bởi con là máu mủ của cha mẹ”. Trẻ con dù lớn hay bé đều luôn có nhận thức, chính vì thế cương - nhu trong cha mẹ phải luôn hài hòa, nhưng tuyệt đối không được tàn ác và vô cảm với trẻ con. 

Vậy để biết được lúc nào nên dùng đòn roi, lúc nào nên dùng lời nói, chúng ta cần phải thức Đạo và tỏa sáng chữ Đạo thì nó mới thiên biến vạn hoá, chúng ta ứng phó sẽ đúng với khuôn vàng thước ngọc mà ta quen gọi là định luật của trời đất, quy luật của càn khôn.

Đạo làm cha mẹ là một chuyên đề vô cùng quan trọng và khó nhất. Bởi cha mẹ chính là tấm gương sáng cho con soi, đời cha mẹ thức Đạo, kế tiếp đời con, đời cháu và nhiều đời hơn nữa thức Đạo giúp gia đình luôn luôn vui vẻ và hạnh phúc. Xin cảm ơn! 

Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh