TRĂM PHÚC NHÀ VỢ KHÔNG BẰNG MỘT NỢ NHÀ CHỒNG

“Trăm phúc nhà vợ không bằng một nợ nhà chồng” là câu ví von với cái nhìn nhân sinh chứ không mang tính chân lý. Đây là cái nhìn phàm trần chứ không phải cái nhìn vũ trụ. 

Phụ nữ được xếp là linh hồn trong nhà. Ngay cả chuyện giữ tiền thì cũng phải đến 97% là do chị em phụ nữ giữ tiền đi chợ. Tuy tiền chợ không phải thưa các anh ấy, nhưng lo việc lớn gì trong gia đình thì không có người phụ nữ nào khi sống trong một gia đình có nề nếp gia phong mà lại không bàn soạn với chồng.

Nếu như người phụ nữ được sinh ra trong một nề nếp gia phong ở trong một gia đình danh giá gả vào một gia đình nát như tương bần, phúc kém, thì người ấy càng nhiệt huyết để trả những loại nghiệp cho gia đình nhà chồng không kể lể, không kêu ca, không than phiền.

Trong quá trình tu tập, có một cháu gái khoảng 35 - 37 tuổi thưa với tôi: “Bà ơi, con đi lấy chồng vào một gia đình nhà chồng vô đạo, không ban thờ, không giỗ bố, không giỗ mẹ, con thấy khó xử quá”. Thưa cả nhà, tôi bảo nhà cháu có phước nên mới có được cháu về làm dâu. Những gì là tinh hoa của gia đình cháu phải giữ. Còn những gì thiếu hụt chưa tròn trịa thì tôi khuyên cháu là phải làm.

Cháu hãy nói thấu lý đạt tình, nói không trách móc, không phê phán: “Mẹ ơi, con thấy nhà con, ông bà con giỗ rất trang nghiêm. 3 năm con về làm dâu, con thấy ngoài cái Tết chưa làm giỗ, vậy thì cụ nhà mình giỗ ngày nào? Nay chúng con đã lớn, có thể gồng nặng gánh nhẹ đỡ cha mẹ. Các cụ tổ chức để làm giỗ ông nội, bà nội có được không?”. Tôi cam đoan, không có người mẹ nào khước từ một cô con dâu như vậy.

Cho nên, nếu chúng ta được thừa kế thì chúng ta cũng phải chắt lọc tinh hoa. Thời các cụ khác, thời chúng ta khác. Ván cờ của các cụ khác, ván cờ của chúng ta khác. Những gì là tinh hoa thì chúng ta đo với đạo lý nó có thước đo. Đạo lý chính là đời sống tâm linh. Đúng đạo lý thì không có cha mẹ nào bắt bẻ con cái. Ngược lại, nếu cái gì thiếu so với đạo lý thì chúng ta có thể bổ sung. Chứ việc này chúng ta không thể âm thầm nuôi dưỡng phiền não, nuôi dưỡng sân hận, nuôi dưỡng oán trách tất thảy mọi người.

Đầu tiên có thể làm bát cơm quả trứng không ảnh hưởng gì đến tổng tài chính. Năm sao có thể làm một mâm cỗ. Năm thứ 3 có thể nói với cha mẹ giỗ ông nội, bà nội thì mời thêm cô, chú. Các bậc phụ huynh sẽ vô cùng cảm động.

Và một ngày giờ nào đó, nếu như người con dâu cứ làm cho cái gia đạo ngày thêm tròn trịa thì đến khi nhắm mắt xuôi tay người mẹ ấy sẽ nói: “Mẹ cám ơn các con! Kể từ khi con về làm dâu, gia đình này lấy lại được phong độ, giữ được nề nếp gia phong. Mẹ vô cùng ghi nhận công đức của con”. Theo tôi, chúng ta vừa làm tròn trịa và vừa cảm hoá được những thành viên trong gia đình.

Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh chia sẻ