QUYỀN LỢI, TRÁCH NHIỆM, NGHĨA VỤ CỦA ANH EM TRONG GIA ĐÌNH DƯỚI GÓC NHÌN CHỮ ĐẠO

Ông cha ta có câu “giàu con út, khó con út”. Các cụ lại có câu “quyền huynh thế phụ”. Vậy thì quyền lợi trách nhiệm nghĩa vụ của anh em trong gia đình như thế nào cho phải đạo, đặc biệt là khi người em giỏi giang, chu đáo, thành đạt hơn anh? Kính mời Quý hội viên lắng nghe chia sẻ của Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh qua bài viết sau!

Việc thứ nhất, “giàu con út, khó con út” là một câu ngạn ngữ mang tính tổng kết trong nhân gian, vì người sinh muộn nhất trong nhà chịu thiệt thòi, nếu không may các cụ sớm về hầu tổ. Thế nên, cái tâm làm cha mẹ ai cũng muốn dành nhiều tình yêu thương, nhiều phương tiện hoặc điều kiện tốt lành khi trong gia đình có những người con sinh sau đẻ muộn. 

Việc thứ hai, thế nào là “quyền huynh, thế phụ”? Đây cũng là giá trị tổng kết muốn nói, trong gia đình không may thân phụ mất sớm thì người con trai cả có nhiệm vụ thay cha điều hành mọi công việc trong gia đình, trong dòng họ. Quan trọng là để giữ được nề nếp gia phong trong mỗi gia đình, vì Việt Nam có văn hóa, có văn hiến, có những tố chất tinh hoa trong gia đình huyết thống. Đã là anh trưởng thì có nhiệm vụ phải thay mặt người đã khuất để quyết định những việc lớn. Nếu còn mẹ, thì mẹ phải là số 1, anh trai phải đứng thứ 2.

Tôi lấy ví dụ, ngôi nhà này, mảnh vườn này, đất đai này để giữ cho nó trật tự từ nóc trở xuống, các bậc phụ huynh là số 1, anh trưởng là số 2. Đấy là cái nghĩa, giá trị tổng kết để đảm bảo được trật tự trong mỗi gia đình khi có công to việc lớn.

Việc thứ ba, tôi muốn nói, trong gia đạo mà có một người em thứ hoặc là út giỏi hơn anh, thành đạt hơn anh, trí tuệ hơn anh, căn cơ lớn hơn anh thì những người ấy vẫn phải tôn trọng nề nếp gia phong trong nhà và có những công việc phải quyết sách mà người anh thiếu phương tiện điều kiện.

Tôi lấy ví dụ như chuyện của nhà báo Hoàng Anh Sướng. Ai cũng yêu cha mẹ, nhưng để đền ơn đáp nghĩa được cha mẹ thì mọi thành viên trong nhà cũng có nhiều nét khác nhau, bởi lục trần nó tạo thành lực cản.

Cho nên, nếu như gia đình có nề nếp gia phong thì một sự bàn soạn, một sự sẻ chia để đi đến một quyết định thật là tốt. Còn nếu không thì tôi có thể xin thưa, những người anh, chị hoặc em: Thứ nhất là phải có Tâm Đạo – đây là cái gốc chiếm 70%; Thứ 2 là phương tiện điều kiện, là tài lộc; Thứ 3 là phải biết sống lục hòa; Thứ 4 là chúng ta mang duyên cảnh của mình đo với đạo lý.

Học đạo là điều rất cần thiết.

Chúng ta đi học đạo là làm tỏa sáng thước đạo, và thước đạo này phải chăng là các tiêu chuẩn chân lý, và chân lý bất biến, trường tồn, không phụ thuộc vào thể chế chính trị xã hội, không phụ thuộc vào các yếu tố khách quan. Và nếu như có tâm đạo, trí tuệ đạo, chúng ta mang việc nhà của chúng ta đo với đạo lý thấy đúng, thì tôi xin thưa, một sự diệu kỳ. Nó là nội lực để chúng ta quyết tâm quyết định việc này nên làm thế nào cho thỏa đáng.

Càng đi sâu vào góc cạnh của cuộc đời, tôi càng thấy học đạo là rất cần. Sóng yên biển lặng chúng ta chưa cần cái hòn ngọc này nhưng bão tố phong ba, những công việc hi hữu diễn ra chỉ 1 lần thì nhờ ánh sáng trí tuệ giác ngộ này sẽ giúp cho quý vị và thế hệ trẻ có quyết định đúng hay không. Còn làm đúng đạo lý ai hiểu được là quý. Làm đúng đạo lý ai chưa hiểu thì mình cứ an nhiên tự tại, vẫn nuôi dưỡng những mối quan hệ trong dòng tộc để đảm bảo được cây đạo của chúng ta tươi tốt, có hoa, hoa thơm, có quả, quả ngọt.

Vì thế một lần nữa tôi nói, một tháng chỉ có một ngày, chúng ta đang dung nạp hành trang của chúng ta với người già, đây là phương cách chống lão hóa. Với người trung niên, ta dung nạp những điều hay lẽ phải, những bài học xúc động, để giúp ta khi khó khăn nhất là vượt lên chính mình. Người thân ốm chỉ có một lần, mà lần đó chúng ta bỏ qua bởi những thói ích kỷ so sánh, thì lùi một bước chúng ta không còn cơ hội để làm lại.

Tôi rất cảm động khi các cụ, các bác, các anh, các chị đã dành một chút thời gian trong quỹ thời gian khổng lồ để đến sinh hoạt Câu lạc bộ.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Theo Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh