CƯỚP CỜ, CƯỚP CÙ TRONG LỄ HỘI CÓ ĐEM LẠI MAY MẮN KHÔNG?

Những người đến lễ hội không chỉ để tưởng nhớ công đức của các vị Thành hoàng mà còn để cầu may lấy phước. Ở làng Gióng, tranh cướp lấy hoa tre vì tin rằng đó là may mắn. Trong lễ hội dân gian Việt Nam, có những cụm từ là “cướp cờ”, “cướp cù” và liệu cướp được những vật thiêng sẽ mang lại may mắn cho mình không? Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh sẽ giải đáp sau đây.

Tất cả các vật tế trong lễ hội đều thụ được năng lượng của trời đất, của các bậc Thánh thần. Vạn vật đều có năng lượng, cho nên các vật tế cũng đón nhận được những nguồn năng lượng cao quý hội tụ về lễ hội.

Khi đi lễ hội, trong tâm khảm của mỗi người, ai cũng xin Thánh phù trợ cho mạnh khỏe, cho trí tuệ, cho hanh thông, cho nhà yên, cho cảnh ấm. Đó là khát vọng của làm người và nó không sai. Thánh công bằng vì quy luật của vũ trụ công bằng. Đức Phật cũng dạy bình đẳng nên ai cũng có quyền phát nguyện, cầu xin. Điều này không sai. Tôi chỉ xin mách một nước, Ngài sẽ ban theo phúc đức chứ không phải ban theo lễ vật, không ban theo ngôn từ những lời cầu nguyện.

Trong lễ hội, chúng ta nhiều khi xin lộc của các Ngài để lấy phước - Cái này đúng. Bởi vì, những vật tế đều được cộng hưởng năng lượng cao quý, song ngày xưa dân số chưa đông, người đi lễ đông nhưng không như bây giờ. Đã là lộc của ông trời hiển lộ ra các vị Thánh, vị thần thì người ta gọi là “ban tài tiếp lộc”. Chứ không giằng co tranh cướp trước mắt Thánh!

Về Cẩm Phổ, xem lễ hội cướp cù ngày xuân

Cướp cờ, cướp cù mang hàm nghĩa sâu xa là phép thử đối với mỗi người đi hội. Nguồn ảnh: Internet

Tôi rất mong tất cả những người đi hội phải có văn hóa. Nếu duyên đến thì có thể rước vật lễ đến nơi đúng chỗ mình ở tự nhiên bay xuống, như vậy mới là điềm quý. Hoặc cũng có thể mình đứng ở đây mình trân trọng, nhưng mình được một người cầm cả một cành lau, tách cho mình một nhánh, thì người đi phát lộc này đóng thêm một vai là sứ giả của nhà Ngài đi ban lộc cho bách gia trăm họ.

Nếu chúng ta hiểu được văn hóa tín ngưỡng chân chính, thì người đi hội không tham. Không nên nuôi dưỡng cái tham, vì cái tham là trái đạo, trái quy luật. Nó giống như Chúa có ban cho ta một miếng bánh thánh lớn hơn mọi người, thì chỉ nhận để ăn vừa đủ cho khỏe, vì tổ tiên ông bà con dạy: Một bữa cơm no cũng hóa thành bội thực, miếng ăn quá khẩu thành tà.

Thông qua lễ hội sẽ hiển lộ cái nhân tham, cái mầm tham. Những người đi hội đã nhận diện được chưa? Đã tiết chế được chưa? Đã ứng xử được chưa? Đây cũng là phép thử của thế giới vô hình và cũng là phép thử của cổ nhân.

Có lẽ, bây giờ chúng ta đi hội gánh trên vai sự mong cầu nhiều quá, chúng ta chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến cộng đồng bên ta cũng đi hội. Họ cũng giống ta, họ cũng mong muốn được một chút lộ của nhà Ngài. Giá như ta được một phần, ta có thể sẻ chia cho người bên cạnh để lấy phước mang về. Như vậy thật đáng quý.

Cho nên, tôi rất mong tục “cướp cờ”, “cướp cầu” thì chúng ta phải hiểu đến tường tận. Hàm nghĩa sâu xa đó là phép thử. Và tu làm người khó như vậy, luôn luôn có những phép thử hiện hữu trong dân gian, trong mọi nơi, trong mọi chỗ, nhất là những lễ hội tâm linh. Xin cảm ơn!

Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh chia sẻ