CÓ NÊN PHÁT TÂM ĐỂ CHƠI VỚI “BẠN XẤU”?

Các cụ dạy là “Chọn bạn mà chơi”, vậy liệu rằng chúng ta có nên phát tâm bồ đề chơi với người bạn xấu và giúp đỡ, cảm hóa họ hay không? Kính mời Quý hội viên và độc giả đón đọc những chia sẻ của Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh về vấn đề này qua bài viết sau.

“Chọn bạn mà chơi” - đây là lời dạy, là giá trị tổng kết của các bậc phụ huynh và của người xưa. Nhưng trên thực tế, nếu như đi học phổ thông hay đại học thì chúng ta có thể chọn, nhưng khi đi làm thì không thể chọn được.

Sẵn sàng đối mặt, bình tĩnh hóa giả

Khi thực hành tâm linh, có những người hỏi tôi: “Bà ơi, con phải làm việc với cậu này, hai mạng chính xung thì con phải làm gì?”. Nếu chúng ta nhìn theo cái góc độ của dịch học hoặc chiêm tinh thì nó có tương sinh, tương hợp. Nhưng trong thực tế, trớ trêu không tương sinh, chẳng tương hợp cũng phải đồng hành. Có nghĩa rằng, trong cuộc đời có rất nhiều điều không bất như ý mà nó vẫn cứ đến, và khi nó đã đến thì chúng ta phải đối mặt thôi.

Khi bắt đầu đi làm việc, nếu phải làm việc với một người khắc mệnh, họ hạ căn còn mình thượng căn…, thì chúng ta hãy lắng nghe. Bởi vì một trăm giọt máu đen vẫn còn những giọt máu đỏ và trăm giọt máu đỏ trong trái tim của chúng ta thì vẫn phảng phất có những giọt máu đen. Cho nên, hãy bình tĩnh, hãy lắng nghe, hãy quan sát tư chất, sở trường, sở đoản cá tính của họ.

Cái khó nhất là chúng ta phải hiểu. Ngay như tình yêu đôi lứa, từ cổ xưa các cụ đã nói: “Con tìm thấy người bạn và con hiểu được bạn ấy bao nhiêu?” Có rất nhiều cặp vợ chồng sau 30 năm, 40 năm, thậm chí 50 năm, 70 năm mới hiểu được nhau. Tại sao lại khó nhìn ra sở trường, sở đoản của nhau? Bởi chúng biến đổi không ngừng. Chính vì dễ dàng biến đổi, chúng ta mới phải tu chữ Tâm, phải làm nó tĩnh lại để nó vận hành theo đúng quy luật của càn khôn, định luật của trời đất.

Theo tôi, trong cuộc sống thường nhật có những điều mà chúng ta không muốn nó đến, có những người bạn không thích nhưng chúng ta phải đồng hành thì chỉ còn một cách duy nhất là tìm hiểu và cố gắng sẻ chia, trong chúng ta phải có cả tấm lòng vị tha, phá chấp.

Ân đối ân, lấy ân đối oán

Trong cuộc đời, có rất nhiều người không thích ta, không hợp ý ta, đối đầu với ta, quấy phá ta, hại ta, nhưng tổ tiên đã dạy đúng nguyên lý rồi: “Ân đối ân, lấy ân đối oán”. Họ xấu với ta, ta cứ tốt với họ, thì tôi cam đoan nghiệp này hóa giải được. Nghiệp dù rất đáng sợ nhưng có một cái hay là chuyển hóa được nghiệp.

Chúng ta phải hiểu rất kỹ chữ “vô thường”. Vô thường là nó đến rồi lại đi, hợp rồi lại tan chứ không có cái gì trường tồn vĩnh cửu. Từ cổ xưa các cụ đã dạy: “Lẽ càn khôn biến hóa khôn lường”. Biến thuận hay biến nghịch là do căn cơ và sự tu dưỡng, rèn luyện, thực tập của từng người. Chúng ta hãy cố gắng làm sao để cho mọi việc nó đến, nó vận hành, nó đi qua theo tỉ lệ thuận cảnh.

Tôi xin thưa, có rất nhiều người vì chỉ có một tầm nhìn nhân sinh nên họ không tha thứ, đây là một bài thuốc độc hại. Phật dạy, chúng ta hãy dùng bài thuốc yêu thương và chỉ có tình yêu thương mới có thể chữa lành được mọi loại bệnh, biến khổ thành vui, biến nguy thành an. Nhưng chúng ta lại đòi hỏi công bằng. Chúng ta có thói quen nhìn công bằng thô thiển và cứ thích đặt lên cân: phải trái, đúng sai, sáng tối, được mất, thắng thua… Chúng ta phải phá vỡ tầm nhìn nhân sinh quan này để nhìn theo tinh thần của Phật Pháp xuất thế gian, hay là lớp 5, lớp 6 đã học vũ trụ quan.

Chúng ta đứng ở trên thì mới nhìn thấy người này đúng chín phần vẫn sai một phần, người này đúng bảy phần sai ba phần, người này đúng năm phần sai năm phần. Nếu là những người bạn chân tình, tri kỷ chúng ta mới có thể giải được những mâu thuẫn. Còn nếu như chúng ta nâng cao tầm giác ngộ lên thì sẽ có những người bạn mang niềm vui đến cho mình và có những người bạn mang khổ đến nhà mình.

Vì thế khi đi học Đạo, tôi chỉ mong các cụ, các ông, các bà, các bác, các anh, các chị khi chúng ta sinh ra làm người, một bài học đầu tiên đó là Tứ Diệu Đế. Khổ là sự thật.

Chúng ta hãy đối mặt với tất cả những người chúng ta được gặp, có thể họ là bạn làm ăn họ chỉ lo quả to quả bé, quả ngọt, quả đắng mà chúng ta có trí tuệ Đạo thì tôi khẳng định, chúng ta sẽ vượt qua nó một cách thung dung tự tại và an nhiên. Nếu như được quyền chọn thì chắc chắn chúng ta phải chọn người tử tế, còn nếu không có quyền chọn mà phải đối mặt thì chúng ta phải học Đạo. Đó cũng là lý do câu lạc bộ Thức Thiện Tâm sẻ chia đàm đạo về Đạo Nghĩa Bạn Bè. Xin cảm ơn!

Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh