CHIA TÀI SẢN CHO CON CÓ NÊN CHIA BÌNH QUÂN?

Thử hỏi trong cuộc đời này, có cha mẹ nào không phải chia tài sản cho con cái. Đã có không ít gia đình, vì vấn đề này mà xảy ra mâu thuẫn, thậm chí từ mặt nhau. Vậy làm cách nào để con cái đều vui vẻ khi nhận được món quà mà cha mẹ dành tặng? Liệu có nên chia bình quân cho các con hay không? Hãy lắng nghe những dòng chia sẻ dưới đây của Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh nhé!

Thưa Quý hội viên, học không phải chỉ có điều hay, vì tổ tiên chúng ta có một câu “đòn đau mới nhớ đời”. Vì thế, đạo làm cha mẹ kể cả già 80, 90 tuổi (chưa lẫn, chưa bị bệnh), thì chúng ta phải phát nguyện rằng hãy cho con được học đến giây phút cuối cùng của kiếp đời này, để cầm cân, để nảy mực. Bởi vì, theo tôi tất cả những người làm cha, làm mẹ chúng ta không tránh được một nước cờ kiểu gì cũng phải đến, đó là lúc chia phần. Có một thực tế rằng, từ cổ xưa cho đến nay, khi chúng ta chết không ai mang cái gì vào hòm áo quan, kể cả ngôi nhà hay tiền bạc, lúc sinh không, tử lại bằng không. Thế mà chúng ta phải làm quan tòa để tránh nguy cơ các con mang tài sản của mình ra công đường.

Vậy chúng ta có nên chia bình quân cho các con hay không? Theo tôi, chúng ta không nên chia bình quân mà làm cha mẹ có đạo, chúng ta phải chia theo thực cảnh của từng người con. Người có nhà rồi chia đất nhỏ, người chưa có nhà phải được ưu tiên, người làm ra tiền phải làm sao dạy con mang tình thương chăm lo cho anh trên em dưới. Thưa Quý hội viên, chúng ta phải phân tích để các con hiểu rằng “Anh em một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”. Bởi lẽ, không phải ai lớn lên cũng đều khỏe mạnh và có tài. Chính vì thế, anh em phải biết giúp đỡ nhau và hiểu rằng cha mẹ chia phần theo thực cảnh là đang giúp đỡ những người con yếu hơn, để anh em ai cũng có cuộc sống đủ đầy. 

Tôi đã chứng kiến có gia đình thừa tiền vẫn khóc, có những người mẹ già đến nói với tôi: “Bác Oanh ơi, năm nay tôi 85 tuổi, gia đình nhà tôi là gia đình khoa bảng, làm quan từ triều Nguyễn, nhờ phúc ấm của tổ tiên các con tôi cũng thành tài. Nhưng trong đó có một anh cả là tiến sĩ ở nước Nga, làm kinh tế rất giỏi nhưng đến bây giờ lại xách ca táp sang Ma Cao đánh bạc. Tôi phải làm gì bác Oanh, liệu tôi có đủ độ tin cậy để giao cho nó gìn giữ hương hỏa nhà tôi không?”. Tôi xin thưa, đây là những câu hỏi vô vàn khó. Nếu trong trường hợp này, chúng ta chia bình quân tài sản và giao cho anh cả lo chuyện hương hỏa trong gia đình liệu có phải là quyết định đúng đắn hay không?

Xin thưa Quý hội viên, các cụ xưa có câu “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Có những gia đình đến lúc chia phần, dù ít hay nhiều các con cũng đều vui vẻ. Nhưng cũng có những gia đình tan nát, anh em không nhìn mặt nhau chỉ vì tranh giành phần hơn. Tôi mong Quý hội viên hãy nhớ điều này: “Nhân quả không phải một kiếp nhân sinh mà nhân quả nhiều đời, nhiều kiếp, nhiều thế hệ”. Chính vì thế, tôi khuyên Quý hội viên, chúng ta hãy đi học đạo, để xóa bỏ đi cái tâm vọng động của mình, giúp gia đình được bình an và hạnh phúc. Tôi xin chân thành cảm ơn!  

Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh!