CHA MẸ CÓ CẦN PHẢI HỌC ĐẠO?

Có người nói rằng: "Mình sinh con ra là bản thân được làm cha, làm mẹ, việc gì phải học. Chỉ cần có con, mình sẽ tự khắc biết điều gì tốt và xấu để làm cho con". Liệu đó có phải là tư tưởng đúng đắn hay không? Xin mời Quý hội viên cùng lắng nghe những chia sẻ dưới đây của Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh.

Thưa Quý hội viên, mỗi người chúng ta đều có hai phần thiện - ác, kể cả các bậc thiện trí thức hay thậm chí cả những nhà sư. Thế nhưng, họ hơn chúng ta ở một điều là họ biết tu tâm, dưỡng tính để cái thiện lấn át đi cái ác. Và cha mẹ cũng vậy, có người biết suy nghĩ cho con nhưng cũng có người chỉ biết trách móc con cái. 

Tổ tiên ta có câu “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, có những người cả đời không phải nói to với con một lời, con cái làm việc gì cũng luôn nghĩ về cha mẹ: “Mình làm việc này sẽ ấm lòng, vẻ vang cha mẹ và rạng rỡ tổ tông lắm đây”. Tôi xin thưa, để có một người con như thế là điều không dễ mà chúng ta phải có một mối lương duyên, được gọi là đại nhân duyên với con cái. 

Thế nhưng, cảnh giới chúng ta đang sống là cảnh giới nhị nguyên, giống như hai mặt của một đồng tiền. Chính vì thế, không ai được hưởng toàn duyên, cũng không ai phải chịu toàn nợ. Vì vậy, cho dù chúng ta đã làm cha mẹ, thì chúng ta vẫn phải học, một là để tu tâm, hai là tu bản tính, ba là biết ái ngữ, bốn là biết đánh cờ, để tích đức cho chính mình và con cháu đời sau, để biến cái nợ thành duyên. 

Tôi xin lấy một ví dụ: Khi vợ chồng con cái cãi nhau, mẹ chồng nghe được con dâu buột miệng nói rằng: “Ngày xưa anh ấy không thế, bây giờ anh ấy thế”. Thế là mẹ chồng đổ tội hết cho con dâu: “Con đã khiến con trai mẹ trở thành người hư hỏng như thế”. Tôi dám khẳng định, người mẹ chồng này không có đạo, bởi con là do cha mẹ sinh ra, nuôi dạy và dựng vợ, gả chồng. Vậy con hư hỏng là do cha mẹ chưa sát sao và quan sát con. Theo tôi, trong trường hợp này, nếu là người có đạo, chúng ta phải biết quan sát, lắng nghe và phân tích rằng trong câu chuyện này, ai mới là người sai thực sự. Nếu con trai là người sai, cha mẹ phải an ủi con dâu và xin lỗi con vì cha mẹ chưa làm tròn trách nhiệm của bản thân, đồng thời cũng phải dạy dỗ con trai mình. Còn nếu con dâu là người sai, cha mẹ phải lý giải cho con hiểu, không thể một mực đổ lỗi ngay cho con dâu được. Bởi con nào cũng là con, con dâu không phải là người sống ngày một, ngày hai mà là người sẽ sống với mình đến hết đời. Chính vì thế, cha mẹ phải có cái nhìn trực quan hơn, không nên phân biệt dâu rể với con ruột. 

Vậy để làm được những điều đó, cha mẹ phải thực sự là người học đạo và thấm đạo. Bởi chỉ khi có đạo, chúng ta mới biết đối nhân xử thế, mới dùng cái thiện để lấn át cái ác và cảm hóa những người xung quanh, đặc biệt là con cái. Tôi xin chân thành cảm ơn! 

Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh!