2022-01-05 00:00:00.0

BUỔI SINH HOẠT CLB LẦN THỨ 14 "ĐÓN TẾT SAO CHO ĐÚNG ĐẠO"

“Luận đàm về ý nghĩa và thực hành các nghi thức cúng lễ cuối năm và giao thừa sao cho Lễ có Nghĩa, Nghĩa có Lý" do Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh chia sẻ trong buổi sinh hoạt lần thứ 14 của CLB Thức Thiện Tâm.

Tết Nguyên Đán được xem là ngày giao hoà giữa trời và đất, giữa con người và thần linh. Do đó, nhiều người tin tưởng rằng những ý nghĩ, mong ước và hành động của mình sẽ được các vị thần linh nghe thấy, thấu hiểu và ban phước lành.

Buổi sinh hoạt thứ 14 của CLB

Khi nói đến Tết nguyên đán, ai trong chúng ta cũng háo hức mong chờ, bởi vì chúng ta biết, Tết là dịp đoàn viên, Tết là ngày “trở về”. Trong những ngày này, người dân Việt Nam luôn thực hiện những nghi thức, những  phong tục đặc trưng.

1. Phong tục tảo mộ, mời tổ tiên về ăn tết

Người Việt có tín ngưỡng  còn gọi là Đạo thờ cúng tổ tiên - đây là một nét văn hóa, là một nghi lễ để chúng ta kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Con người chúng ta có rất nhiều người sống trong hiện tại, hướng đến tương lai và đã quên đi quá khứ. Vậy nếu tổ tiên là nhân, là gốc; nếu chúng ta là thân cây, là cành là cội; nếu con cháu chúng ta là lá, là hoa, là quả thì chúng ta chỉ làm hai phần hiện tại với tương lai, như vậy chưa đủ. Chúng ta còn phải biết nhìn đến cội nguồn.

Khoa học đã chứng minh, con người là sản phẩm của thiên nhiên. Nói theo cách của người hữu đạo, mẹ thiên nhiên vốn sinh ra ta, bao bọc, dưỡng nuôi ta. Mẹ thiên nhiên hiện hữu rộng lớn vô biên và gần gũi với ta trong từng hơi thở. Mẹ thiên nhiên thấu tỏ từng việc làm, từng ý nghĩ của chúng ta đến cỏ cây, hoa lá, chim muông muôn loài đều biết chúng ta ứng xử với sản phẩm của thiên nhiên bằng tâm thiện hay ác tâm ác. Nên Cội nguồn ở đây, gần nhất là tổ tiên, ông bà cha mẹ, rộng lớn hơn chính là Người mẹ thiên nhiên bao trùm cả vũ trụ này.

Tết chính là dịp quan trọng nhất để sum họp – sum họp cả người còn sống và những người đã mất để tạo nên sức mạnh tinh thần cho mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ. Vì vậy, trước Tết, con cháu trong gia tộc sẽ tranh thủ tề tựu đông đủ, cùng nhau đi thăm và quét dọn mồ mả tổ tiên. Mỗi gia đình đều đem theo hương đèn, hoa quả để cúng, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu, cùng nhau ôn lại những kỉ niệm của năm cũ, ước mong những điều tốt lành cho năm mới sắp đến.

Vậy thực sự những người đã mất có thể tham gia sum họp cùng con cháu không và nếu có thì sự sum họp ngày tết khác như thế nào với những ngày giỗ, ngày giằm hay mùng một? Và nghi thức mời ông bà tổ tiên về ăn tết như thế nào là đúng đạo?

2. Cúng  ông  Công, ông Táo

Theo truyền thống của người Việt, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, các gia đình sẽ làm lễ cúng ông Công, ông Táo. Ông Công, ông Táo là người cai quản những sự việc xảy ra trong gia đình. Cho đến ngày 23 tháng Chạp, ông Táo sẽ cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc lớn nhỏ trong nhà gia chủ với Ngọc Hoàng. Nhờ đó, Ngọc Hoàng sẽ có những định đoạt, có thể khen thưởng hoặc phạt gia chủ. Người dân thường làm lễ long trọng tiễn ông Táo để các ông “nói tốt” cho nhà mình và ban tài lộc, bình an trong năm mới.

Buổi sinh hoạt thứ 14 của CLB

Buổi sinh hoạt thứ 14 của CLB

Do đó, vào ngày này, các gia đình sẽ sắm sửa nhang đèn, giấy tiền, hoa tươi, mâm ngũ quả, mâm lễ mặn, bộ mũ áo quan, … Và nhất định không thể thiếu cá chép. Sau khi cúng xong, gia chủ sẽ phóng sinh cá chép, với hy vọng chú cá đó sẽ đưa tiễn ông Táo lên trời an toàn. Đồng thời, hành động này cũng mang ý nghĩa về sự phóng sinh, làm việc thiện trong đầu xuân năm mới.

Theo truyền thuyết thì sự tích Táo quân là hai ông một bà. Vậy ý nghĩa, vai trò của hai ông, một bà Táo là gì? Để thờ cúng các vị thần này cho đúng lễ, đúng đạo không chỉ ngày 23 tháng Chạp mà còn cả những ngày khác trong năm thì chúng ta nên chú ý điều gì? Vai trò của những con cá chép trong đời sống tâm linh của các vị Táo quân là gì?

3. Phong tục dựng cây nêu và cúng cây mía

Cây nêu Tết là một phong tục ngày Tết thường thấy ở nhiều địa phương. Thực chất là một cây tre cao khoảng 5 đến 6 mét. Ở ngọn cây có treo rất nhiều thứ (tùy theo từng điạ phương) như vàng mã, bùa trừ tà, hình cá chép bằng giấy (phương tiện để táo quân về trời), cành xương rồng, bầu rượu bện bằng rơm, giải cờ vải tây, tấm vải điều (màu đỏ), hoặc đôi khi người ta còn cho treo lủng lẳng những chiếc khánh nhỏ bằng đất nung, mỗi khi gió thổi, những khánh đất va chạm nhau tại thành những tiếng kêu leng keng nghe rất vui tai…

Buổi sinh hoạt thứ 14 của CLB

Buổi sinh hoạt thứ 14 của CLB

Tùy từng nơi lại có một quan niệm khác nhau về việc thờ cúng tổ tiên, gửi gắm những mong ước nguyện vọng của mình đến với ông cha, qua đó họ có những cách bày tỏ khác nhau. Không biết đã có tự bao giờ, nhưng việc trưng cây mía bên bàn thờ tổ tiên được rất nhiều nhà duy trì nét văn hóa độc đáo này vào dịp Tết đến, cây mía quen thuộc đối với người nông dân và cũng đại biểu cho sự vương cao, khỏe mạnh. Những cây mía được chọn phải là những cây to, thẳng, các khúc mía đều nhau không được sâu, màu của cây đẹp, vẫn còn nguyên lá và rễ. Không đơn giản là chọn một cây mía về chưng trong nhà là xong, cây mía đại diện cho sự thành kính và tôn trọng của con cháu gửi đến bề trên nên việc chọn lựa cũng phải kỹ càng, dù là chi tiết nhỏ.

Phong tục dựng cây nêu và thờ cây mía trong dịp Tết để làm gì và có ý nghĩa như thế nào trog tín ngưỡng của người Việt. Và chúng ta cần làm gì để thực hiện các nghi thức thờ cúng này cho đúng đạo?

4. Phong tục cúng giao thừa

Giao thừa là thời điểm chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, là thời gian quan trọng khi đất trời giao hòa. Lễ cúng giao thừa còn được gọi là lễ trừ tịch diễn ra vào phút cuối cùng của năm với ý nghĩa đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới. Lễ cúng giao thừa được thực hiện ở ngoài trời.

Thời khắc giao thừa chuyển giao năm cũ với năm mới là vô cùng quan trọng. Chắc hẳn vũ trụ trong thời khắc ấy cũng có nhiều năng lượng đặc biệt. Vậy chúng ta cần chú ý điều gì khi thực hiện các nghi lễ cúng giao thừa để nhận được nhiều nguồn năng lượng tích cực nhất?

Tạm kết

Tất cả những thắc mắc về các nghi thức cúng lễ cuối năm và giao thừa của chúng ta được Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh giải đáp và chia sẻ trong buổi sinh hoạt lần thứ 14 của CLB Thức Thiện Tâm.

Từ trước đến nay Thức Thiện Tâm luôn mong muốn lan tỏa nét văn hóa truyền thống, những giá trị tinh thần tốt đẹp tới cộng đồng. Với những buổi sinh hoạt CLB, những cuộc trò chuyện của nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh, hy vọng có thể góp một chút sức mạnh tinh thần cho cộng đồng trong dịp năm mới, như một lời động viên đến tâm hồn của mọi người.

Năm 2021 là một năm khó khăn với tất cả chúng ta. Một năm với nhiều hụt hẫng, nhiều hoang mang khi mọi thứ xáo trộn. Không phải ai cũng dễ dàng thích nghi với những thay đổi đột ngột, nhưng một khi đã đối mặt và chấp nhận, ta sẽ vượt qua nó rất nhanh vì con người luôn cần được thấu hiểu và sẻ chia. Gặp khó khăn thì đối mặt, có thử thách thì vượt qua và chủ động nắm bắt hạnh phúc. Tất cả những thông điệp tích cực đó cũng là điều mà Thức Thiện Tâm muốn thông qua buổi sinh hoạt CLB gửi đến mọi người, mọi nhà. Tống cựu nghênh tân, có một khởi đầu an lạc, suôn sẻ luôn là điều mà ai cũng mong cầu.