PHẬN LÀM CON NÊN LÀM GÌ ĐỂ TĂNG PHÚC THỌ CHO CHA MẸ?

Mùa Vu Lan và mùa đạo hiếu, là mùa chúng ta nhớ ơn ông bà, tri ân cha mẹ. Đây là cũng dịp để bậc làm con, làm cháu báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Vậy khi cha mẹ ốm đau, bổn phận làm con nên làm gì để tăng phúc, tăng thọ cho bậc cha mẹ? Kính mời Quý hội viên và toàn thể bạn đọc lắng nghe chia sẻ của Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh ngay sau đây!

Xin thưa tất cả các quý vị! Đời sống tinh thần, đời sống vật chất và cả đời sống tâm linh hòa quyện, gắn kết trong cái công việc bổn phận làm con.
 
Theo tôi, cung bậc thứ nhất là từ tuổi thơ lúc chúng ta bắt đầu đi học, tôi lấy một cái mốc là đến tuổi 15. Một đứa trẻ dưới 15 tuổi trăng chưa tròn, sự nhận thức còn non nớt. Nhưng một bé từ 15 tuổi trở lên thì cái việc vô vàn quan trọng là chúng ta phải xây dựng làm sao đó là nhiệm vụ của các bậc phụ huynh, nhưng còn đạo làm con thì chúng ta cũng phải làm sao tu thân dưỡng tính để kính dâng lên cha mẹ một yếu tố theo tôi rất quan trọng là chúng ta làm cho cha mẹ tin mình. Cái tuổi học trò mà làm cho cha mẹ tin mình, chúng ta phải tu dưỡng rèn luyện nhiều lắm.
 
Cung bậc thứ 2 là khi chúng ta trưởng thành, có gia đình, có cuộc sống riêng, chúng ta rời vòng tay của cha mẹ thì theo tôi, cái đức tin vẫn muôn thuở là số 1. Ra khỏi nhà hoặc ra ở riêng, chúng ta có bổn phận làm sao để cho cha mẹ tin mình mà cha mẹ an vui. Và để làm được việc này, chúng ta phải học hỏi không ngừng nghỉ, chúng ta phải dung nạp vào bản thân chúng ta rất rất nhiều hành trang. Quà tặng lớn nhất cho các bậc phụ huynh dù ở gần hay ở xa là chúng ta làm cho cha mẹ tin tưởng chúng ta, để biến cái tin ấy thành cái an vui trong tâm khảm của cha và mẹ.
 
Vậy muốn xây dựng được đức tin thì chúng ta phải tu tâm, phải tịnh hóa được thân tâm. Chúng ta phải sửa tính để bao nhiêu những thói hư tật xấu được cài đặt trong bản tâm bản tính của ta, ta phải nhận diện, Phật gọi là các tập khí xấu. Ta phải nhìn ra để làm gì? Để mỗi lần chúng ta gặp cha, gặp mẹ, cha mẹ thấy ta phương trưởng từng ngày.
 
Cho nên, chúng ta không thể thoát ly được chữ “đạo”. Vì chính nhờ chữ “đạo” mà chúng ta nhìn ra được đời sống vật chất, kiếm những đồng tiền trong sáng, chân chính. Rồi chính nhờ chữ “đạo” mà chúng ta kiến tạo được đời sống tinh thần, dù ở bên cha, bên mẹ hay ở một chân trời góc biển nào đó để mưu sự lập nghiệp, chúng ta vẫn thấy mẹ vui, mẹ không phiền não, mẹ chẳng lo âu vì mình. Nhờ có chữ “đạo” mà chúng ta luôn luôn tu sửa để làm cho “đạo hiếu” tỏa sáng thông qua từng khắc, từng giờ, từng ngày trong công việc ứng nhân xử thế với cha, với mẹ, với anh em, với họ tộc, với những người thân trong gia đình lớn. Theo tôi, tất cả những việc này ai làm cha làm mẹ cũng đều dõi bước để mong các con phương trưởng từng ngày.

Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh.
 
Đấy là những yếu tố, những lý lẽ mang tính gốc gác nguồn cội. Còn tôi xin thưa! Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Chúng ta phải mang tất cả những cái đạo lý ấy kết hợp với cái thực tiễn, cái thực cảnh của từng gia đình để chúng ta biết chăm lo đời sống vật chất, đời sống tinh thần.
 
Và nếu như chúng ta làm tỏa sáng được đời sống tâm linh thì tôi tin, người con ấy, người cháu ấy sẽ giữ được nề nếp gia phong. Cha mẹ sẽ tự hào là các con của mình, các cháu của mình dù đã ra khỏi vòng tay của mình nhưng thông qua công việc hàng ngày, việc nước, việc nhà, việc đời, việc đạo… muôn vàn các mối quan hệ, con mình đương làm sáng danh ông bà tiên tổ. Theo tôi đấy là thành quả, đấy là phúc đức, đấy là công đức và bậc làm cha mẹ người nào cũng rất mong muốn.
 
Vì thế, chúng ta nếu có đạo, nếu tu tập thì chúng ta sẽ có những thời khắc nhìn vào bên trong chúng ta, ta cảm thấy ta làm tròn chữ đạo thì ta có thể chắp tay hồi hướng một chút công đức ngay đời này, kiếp này cho cha mẹ để đền ơn đáp nghĩa. Vì một chặng đường đã qua, con làm được nhiều việc phước thiện.
 
Và thế hệ của cha mẹ chỉ mong sao các con có bữa cơm no, chưa làm được nhiều việc thiện nguyện, việc có nghĩa cho gia đình và xã hội. Vậy nên chúng con được kế thừa phúc ấm, được thọ lãnh đức hạnh của cha mẹ để chúng con ăn nên, làm ra, để chúng con bước vào đường đạo, để thực tu, để thực học, để được thực tập làm các việc phước đức ở đời.
 
Tôi chỉ e rằng, chúng ta thiếu đạo hoặc nhìn vào chữ đạo nó còn méo mó, nó chưa tròn trịa, còn nghiêng lệch. Cho nên, khi chúng ta trưởng thành, khi có một gia đình riêng thì có rất nhiều người làm con nhưng trái tim lại thiếu vắng chỗ đứng của các bậc sinh thành hoặc dưỡng dục.
 
Tôi chỉ nguyện mong tất cả chúng ta hãy học đạo để làm người tử tế và cái quan trọng là tiền gia hậu quốc (tức là phải tốt từ gia đình rồi hãy đến xã hội). Vì gia đình càng an vui, càng hưng thịnh bao nhiêu thì chúng ta đến công đường, đến nơi làm việc mới nói đến năng suất, chất lượng, hiệu quả, mới nói đến một ngày lao động ích quốc, lợi nhà, lợi nhà, ích quốc. Tuy nhiên, nếu chúng ta theo những chuẩn mực này thì đấy là quà tặng, đó là báu vật vô giá để đền ơn đáp nghĩa công sinh thành dưỡng dục và đấy cũng là một phần, một yếu tố để cho các bậc phụ huynh của mình được hưởng thêm tuổi đức trong một kiếp làm người.
 
Xin cảm ơn!
 
*** Bài viết được trích dẫn trong buổi luận bàn về lễ Vu Lan cùng Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh. Kính mời quý hội viên và quý bạn đọc đón xem toàn bộ buổi luận bàn tại kênh Youtube Thức Thiện Tâm: