2022-01-20 16:30:00.0

“MÌNH CÓ CẢ MỘT GIA ĐÌNH TÂM LINH CHỨ KHÔNG CHỈ CÓ MỘT GIA ĐÌNH HUYẾT THỐNG”

Sau 2 năm thành lập CLB Thức Thiện Tâm có khoảng 500 hội viên. Dịp đầu xuân CLB đã tổ chức chương trình giao lưu kết nối với hội viên. Để hiểu hơn về hành trình trình mỗi người đến với đạo, nhà báo Hoàng Anh Sướng đã thực hiện cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – hội viên CLB Thức Thiện Tâm và Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh.

Cuộc gặp gỡ giữa bà Tuyết Mai và Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh

“Mình ở đầy mà sao cứ nhận vơi?”

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Trước khi biết đến Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh, cuộc sống của bà như thế nào?

Bà Tuyết Mai: Tôi gặp bác Phan Oanh vào năm 1989, lúc đó tôi những 42 tuổi. Tôi biết về đạo rất muộn.

Khi tôi chưa gặp bác, cuộc sống của tôi bí bách lắm. Tôi cứ nghĩ tại sao mình khổ thế? Mình sống đối với mọi người rất tốt, mình “ở đầy mà sao cứ nhận vơi”. Nước mắt bao giờ cũng dài hơn người đấy. Tôi gặp bác Oanh với tất cả tâm trạng đấy. Hoàn cảnh gia đình tôi cũng không đến nỗi nào đâu. Nhưng vì mình không hiểu, mình không biết gì về thuyết nhân – quả, chẳng biết gì về lý nhân duyên. Cho nên chẳng giải thích được những vấn đề đó. Nên tôi luôn bị bế tắc, luôn luôn ở tâm trạng buồn.

Tôi gặp bác, được bác chỉ dạy cho rất nhiều, dần dần tôi coi bác là chỗ dựa tinh thần. Với tôi bác như là chị cả vậy.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Thưa bà, 32 năm học đạo với Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh, chắc hẳn bà đã được nghe nhiều giáo lý tốt đẹp. Vậy có điều gì bà Phan Oanh giảng dạy khiến bà tâm đắc nhất không ạ?

Bà Tuyết Mai: Nhiều lắm. Ngày xưa thì không hiểu mình làm thế đúng hay sai. Nhưng bây giờ thì tôi đã hiểu được. Tôi biết thêm về thuyết nhân quả, lý nhân duyên. Có những bài toán đơn giản mình có thể tự giải quyết. Trước kia tôi cứ bên bác xoành xoạch. Nghe bác chỉ dạy xong tôi cảm thấy phấn khởi, yêu đời lắm.

Quan trọng tôi giải thích được: Tại sao mình khổ? Tại sao mình lại phải buồn? Tại sao người kia đối với mình không tốt? Đây là nhờ bác, đem cái lý đạo của các cụ hướng dẫn, thức đạo, dẫn đạo, chỉ đường cho.

Và tôi hiểu rằng, con người ta sinh ra trong cõi đời này thì phải chịu khổ. Và muốn thoát khổ phải tu, muốn sướng thì phải tu. Không ai sinh ra là sướng được, vì sinh ra là đã khóc rồi mà.

Bác bảo là hãy sống yêu thương, hãy quên mình đi, san sẻ cho người khác. Mình yêu thương mình, mình yêu thương mọi người, mình chia sẻ cho mọi người thì mình cũng cảm thấy hạnh phúc. Tôi đã vận dụng tất cả những hiểu biết về lý đạo vào cuộc sống, vào công tác phong trào; để làm sao gần được mọi người, gần với quần chúng. Nhờ ơn các cụ, nhờ ơn bác Oanh đã kết nối dẫn đường chỉ lối cho tôi. Bản thân tôi chỉ là học trò nho nhỏ.

Tôi khâm phục bác, tôi ngưỡng mộ bác, và tôi cũng khâm phục ngưỡng mộ tất cả những thế hệ sau này. Bởi vì các bạn thức đạo sớm hơn tôi. Những người trẻ biết đến đạo và được gần những người thầy dạy cho mình đi thế nào là đúng, cách sống thế nào là hay. Tôi ngưỡng mộ tất cả các bạn ấy, kể cả anh Sướng.

“Tự mình làm cho mình hạnh phúc”

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Theo quan niệm nhà phật thì đời là bể khổ. Bà năm nay cũng gần 80 rồi, chắc chắn cuộc đời của bà cũng có những sóng gió đúng không ạ? Vậy có khổ đau nào mà bà vận dụng những điều học được từ bà Phan Oanh để chuyển hóa khổ đau đó không ạ?

Bà Tuyết Mai: Trong cuộc sống, tôi cũng có nhiều cái vất vả, cái lo toan, có thể là chuyện vợ chồng. Thế nhưng, không phải đôi vợ chồng nào cũng hạnh phúc. Bởi vì hai nửa đấy ghép lại nếu nhiều duyên thì sướng hơn chút, nếu thêm nợ thì mình phải trả. Có những trục trặc, vì đôi khi người chồng làm mình phải khóc, phải buồn, tủi thân. Mỗi như thế tôi lại chạy lên bác, xin bác giải thích giùm. Bác ơi, bây giờ thì như thế nào? Thì bác Oanh đã giải thích cặn kẽ, hướng dẫn cho nhiều thứ.

Theo đạo lý của cha ông thì một điều nhịn, chín điều lành. Cứ nghe xong về mình xét mình trước. Mình cứ phải xem mình như thế nào đã, chứ không đổ tội cho người khác vội. Tôi thấy thế là đúng. Mình soi lại mình, chỗ này mình chưa đúng, cái này mình chưa hay thì tôi sửa. Dần dần thì tôi thấy cuộc sống cho mình cốc nước ngọt chứ không đến nỗi là chén rượu đắng. Tôi biết cách tự mình làm cho mình hạnh phúc.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Thưa bà, qua điều bà chia sẻ thì có nghĩa là mình tu đúng thì mình sẽ gặt được nhiều hoa thơm trái ngọt đúng không ạ? Tu theo quan niệm của nhà phật là mình tu sửa mình. Vậy khi nhìn lại hành trình bà đến bến đạo của Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh, thì bà thấy mình đã tu sửa được điều gì?

Bà Tuyết Mai: Tôi sửa được rất nhiều. Hồi xưa tôi xấu tính lắm. Tôi tham, sân, si. Khi lên các cụ dạy phải bỏ. Cái tham, cái si thì có thể bỏ được ngay, nhưng cái sân là khó. Bởi vì con người ta khi động đến các tôi cá nhân, phản ứng đầu tiên là sẽ bùng lên đã. Thì tôi cũng thế, phải gọt sửa từ từ. Thế nhưng tôi sửa cũng được. Đến bây giờ cái sân vẫn còn. Mấy chục năm rồi, nhưng cũng cố để bỏ. Ngày xưa tôi rất nóng tính. Kể cả thủ trưởng tôi cũng không nịnh bao giờ đâu, nói to, quát. Còn với bạn bè, đồng đội thì mình hay chấp. Đến bây giờ tôi nghĩ tôi thanh thản lắm, tôi chả chấp ai cả.

Bác Oanh dạy, khi người ta mắng mình, chửi mình một cách rất vô lý thì mình phải nghĩ rằng kiếp trước mình nợ người ta. Tôi thấy tôi học được rất là nhiều. Chỉ tiếc là hoàn cảnh điều kiện không cho phép không cho tôi đi được với bác thường xuyên. Lắm lúc tôi hay nói đùa là, chị ơi, em chỉ đi bên cạnh thôi, nhưng em vẫn học đấy ạ.

Nếu khóa lễ tôi không đi được thì tôi đọc lại các bài viết. Có những cái trong khóa lễ mình không nhận thức được nhưng khi đọc lại ngấm lắm, hay lắm. Tôi cứ học từng tí một. Tôi sống bằng tình cảm chân thật. Mình cứ yêu thương, chia sẻ và thông cảm với mọi người thì những điều tốt đẹp đến với mình.

Bác Oanh nhận một kho tàng kiến thức từ các cụ, rồi bác chuyển trao cho mọi người và trong đó có tôi. Và tôi cảm thấy từ khi biết bác tôi lợi lạc rất nhiều. Cách nhìn đời nhìn người khác lắm, cách hành xử cũng khác luôn.  

“Là chị em cũng được, là thầy trò thì đúng rồi”

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Người Việt rất đề cao người thầy của mình “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, người nào đó gặp mình ngoài đời cho mình nửa con chữ thôi mình cũng gọi là thầy rồi. Vậy đối với bà, bà theo học bà Phan Oanh hơn 30 năm nhưng con thấy trong xưng hô, bà hay gọi bà phan oanh là bác chứ không phải thầy. Tại sao ạ?

Bà Tuyết Mai: Tôi gọi quen từ trước rồi. vì tôi coi bác phan oanh như chị cả. Tôi nghĩ gọi thế là thân thiết. Nhưng trong tâm tôi kính bác là thầy rồi. Lúc thì gọi chị, lúc thì gọi bác. Tôi thì không vấn đề gì. Lúc nào tôi cũng coi bác như kim chỉ nam. Bác bảo đúng thì tôi theo, sai thì tôi thôi. Tình cảm của tôi và bác Oanh không biết nói thế nào: Là chị em cũng được, là thầy trò thì đúng rồi.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Nghe một người em, một người học trò học đạo của mình, hơn 30 năm đồng hành, bà cảm nhận gì về người em này?

Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh: Khi chúng tôi thực hành tâm linh, tức là tu tại gia thì điều hạnh phúc nhất là có những người đến bên mình. Để nhìn sang trái hay nhìn sang phải, mình không cô đơn. Và mình có cả một gia đình tâm linh nữa, chứ không phải chỉ có gia đình huyết thống.

Việc thứ 2, mỗi người một căn, một cơ. Tôi nhớ như in lời phật tổ dạy: tùy duyên để sẻ chia. Tôi chưa thành đạo, tôi chưa đạt đạo nên tôi chưa dám nhận tôi hóa độ cho ai. Tôi chỉ dám nhận một công việc giản đơn nhất, tầm thường nhất đó là thức đạo. Nếu như tất cả mọi người tương đồng về mặt quan điểm thì chúng tôi sẽ trao đổi sẽ đàm đạo, phần lý phần pháp sâu hơn những người đến để hỏi những nước cờ khó, cờ bí. Thì riêng chị Tuyết Mai tôi cảm thán.

Một người phụ nữ vốn đã đảm, chị chưa đến với tôi chị đã đảm rồi. Chị đã có phẩm hạnh con có hiếu, đạo làm vợ đắc tâm, đạo làm mẹ là chuẩn mực. Một con người có căn lành từ kiếp trước. Cộng với một con người có kiến thức. Và cuối cùng một con người có thực tiễn vì chị ấy là bộ đội. Cho nên cảm ơn môi trường quân đội đã cho chị ấy thành một chiến binh sao vàng.

Và cho đến bây giờ khi về nghỉ hưu bạn lên gặp tôi. Tôi bảo bạn hãy làm đi, làm cựu chiến binh đi, làm phụ nữ đi, làm để khỏe, làm để được học, làm để có được rất nhiều quan hệ, làm để tải đạo. Cho nên tôi rất cảm động, Tuyết Mai thuộc bài. Còn tôi không dám nhận xét bởi vì cái nhận xét sâu sắc nhất chính là người tự tu. Như lời phật dạy: Tu đến mức mình phải tự độ cho mình. Chứ không phải phật độ, phật chỉ chỉ đường, phật không phổ độ. Độ rất độ, phổ rất phổ nhưng ngài lại yêu cầu chúng ta phải tự độ cho mình, thì mới sinh ra Tam Tự Quy Y.

Một việc nữa, có những lần gặp những nước cờ khó, đó là nghiệp lực. Tuyết mai lên ôm tôi: Bác ơi sao em khổ vậy? Giàn giụa nước mắt. Và tôi chỉ biết nói với bạn tôi rằng: Hãy tin đi, mỗi một lần chướng ngại đối mặt là bạn đương trả được một ít nợ. Và cuộc tu là cuộc đi trả nợ, thì bạn hãy can trường đối mặt mà trả nợ. Nhờ thế mà sóng lại yên, biển lại lặng. Cách mà ta giải quyết các mâu thuẫn phải bằng trí tuệ giác ngộ, phải bằng tình yêu thương. Và quả thật sự màu nhiệm lại đến, gia đình bạn lại bình yên, hạnh phúc.

Tuyết Mai là người phải đối mặt với rất nhiều các nghiệp lực. Ví dụ, cung con cũng toát mồ hôi, cung chồng có những cái khó không nói nên lời. Bạn phải gánh tất cả những cái đó. Một người phụ nữ đã thẩm thấu chữ đạo, đã chuyển hóa được cái tâm để tự nguyện gánh công lo việc bằng trí tuệ giác ngộ. Ngay cái người bạn đưa Tuyết Mai lên nhà tôi lại không thuộc bài. Và tôi cũng nói thẳng bạn chưa thuộc bài. Tại sao? Bạn rất tốt, bạn thích đi lễ, bạn rất nhân hậu bạn mới làm phúc đức. Còn chỉ khi nào bạn phải kiểm soát được cái tâm. Bạn phải tịnh hóa được cái tâm, làm mới được cái tâm để yêu thương từ bi khai mở. Lúc đó, bạn sẽ nhận diện được những hạt tham, hạt sân, hạt si, hạt nghi sự kiêu mạt, hoặc bảo thủ… và đấy mới gọi là công đức.

*Cám ơn những chia sẻ của hai bà