"TỨ DIỆU ĐẾ" - BỐN CHÂN LÝ NHIỆM MÀU

Tứ Diệu Đế có cách gọi khác là Tứ Thánh Đế, được coi là cốt tủy, là xương sống của toàn bộ giáo lý Phật pháp. Tứ diệu đế cũng là bài Pháp đầu tiên khi Đức Phật đắc quả Đạo, chuyển bánh xe Pháp Luân, thuyết Pháp cho 5 anh em ông Kiều Trần Như sau khi Đức Phật đắc quả Đạo. Đây là bài pháp sống động, thực tiễn, dựa trên kinh nghiệm giác ngộ mà chính Đức Phật đã trải qua sau quá trình 6 năm tìm thầy học đạo và 5 năm tu tập khổ hạnh. Sau này, tất cả giáo pháp của Đức Phật dù phát triển, mở rộng tới đâu đều dựa trên nền tảng của Tứ Diệu Đế.

Giải nghĩa ba từ “Tứ Diệu Đế”

Tứ: có nghĩa là bốn; Diệu: có nghĩa là điều kỳ diệu, là điều mầu nhiệm, cao quý; Đế có nghĩa là chân lý hay sự thật. Vì vậy Tứ Diệu Đế là bốn chân lý, bốn sự thật mầu nhiệm, là những lời dạy căn bản đầu tiên của Đức Phật dành cho các đệ tử sau khi Ngài giác ngộ. Vậy nên ý nghĩa tổng quát của ba từ cao quý này là thông qua Tứ Diệu Đế, Đức Phật giải thích rõ về đau khổ và chỉ cho chúng sinh thấy rõ thực tế khổ đau của cuộc sống. Nhưng mặt khác Đức Phật cũng chỉ rõ  đau khổ có thể kết thúc và có một con đường dẫn tới chấm dứt đau khổ.

Dấn thân trên con đường học tập và thực hành theo giáo pháp của Phật, ta sẽ thấy, Đức Phật nói về Khổ không phải để chúng sinh bi quan, bế tắc mà Ngài giảng kỹ về Khổ đế là để chúng sinh thấy rõ chỉ bằng cách thực hành con đường của Tập đế, Diệt đế và Đạo đế mới vĩnh viễn giải thoát khổ đau, đạt được hạnh phúc chân thật. Đây mới chính là ý nghĩa sâu xa của Tứ Diệu Đế.

Có thể nói thông qua cả phần lý thuyết lẫn thực hành, giáo lý then chốt của Phật Giáo được tổng hợp thành 4 chân lý cơ bản:

1. Khổ đế: Sự thật về đau khổ (dukkha)

2. Tập đế: Nguyên nhân của đau khổ (samudaya)

3. Diệt đế: Chấm dứt đau khổ đi kèm với chấm dứt tham ái (nirhodha)

4. Đạo đế: Con đường giài phóng chúng ta khỏi đau khổ (magga)

1.Chân lý đầu tiên (Khổ đế) – Sự thật về đau khổ (dukkha)

Ta cần tỉnh thức để nhận ra điều này: sinh ra trong cuộc đời, ai rồi cũng phải đối diện với nhiều nỗi khổ:

Nỗi khổ về thân: Đây là những nỗi khổ về mặt thể xác hiển hiện rất rõ qua trải nghiệm ở mỗi cán nhân: nỗi khổ khi sinh ra, nỗi khổ khi già yếu, bệnh tật và qua đời..

Nỗi khổ về tâm: Thực tế, tâm luôn bất an do sự chi phối của các cảm xúc tiêu cực như tham lam, giận dữ, si mê thiếu trí tuệ... Tâm tham khiến ta chưa biết đủ với những gì mình đang có mà luôn khát khao tìm cầu những thứ ta không có được. Bên cạnh đó, tâm chấp ngã khiến ta dễ dàng giận dữ, đau khổ trước những nghịch cảnh. Cuộc sống con người vì thế rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn của sự bất mãn không nguôi.

Đức Phật đã khái quát bốn nỗi khổ về tâm gồm: khổ vì mong cầu mà không có được, khổ vì yêu thích mà phải xa lìa, khổ vì không ưa mà phải gặp gỡ, chung sống, khổ vì năm ấm hưng thịnh (năm ấm chỉ sắc, thụ, tưởng hành, thức). Vì năm ấm hưng thịnh nên những nhu cầu dục lạc, các xúc tình tiêu cực càng phát khởi mạnh mẽ khiến chúng ta nhận về càng nhiều khổ đau.

Vậy nên: Do tâm luôn mong cầu, tâm luôn lo lắng về sự không chắc chắn của những hạnh phúc giả tạm thế gian (tiếp theo thành công là thất bại, phía sau hội ngộ là chia lìa, sự sống đi đến tận cùng lại là cái chết, con người cứ chết đi rồi lại sinh ra không biết bao nhiêu lần trong đau đớn sợ hãi…) cùng với lòng ham muốn thiêu đốt mà chẳng bao giờ chúng ta được toại nguyện như ý. Thêm vào đó, những biến cố ập đến trong đời cũng dày vò chúng ta. Và cuối cùng là nỗi khổ của sự cô độc. Trên tất cả những cột mốc quan trọng của đời người gồm sinh, lão, bệnh, tử, chúng ta đều chỉ có một mình. Bệnh tật hay khổ đau, sự sống hay cái chết đều chỉ do chính chúng ta trải nghiệm, không thể san sẻ hay nương tựa vào ai.

Kết luận:Khổ đau hiện diện khắp nơi và bao trùm toàn bộ cuộc sống của có muốn chối bỏ cũng không thể được.

Nhận biết về Vô Thường, Vô Ngã và Tính không

Về mặt giáo pháp, Vô thường nằm trong Tam pháp ấn: Vô thường, Khổ, Vô ngã, - đây là những phạm trù căn bản nhất về chân lý cuộc sống được Đức Phật chỉ dạy.

Nhận biết về Vô Thường:Quan sát mọi sự khởi tạo trong đời sống ta sẽ thấy, vạn vật ở thế gian vốn vô thường. Đời người cũng vô thường. Ai được sinh ra rồi cũng đến lúc trưởng thành,  già yếu, bệnh tật và chết đi. Cũng như thế, hạnh phúc chẳng thể ở cùng ta mãi mãi, và đau khổ nào rồi cũng sẽ qua đi… Hiểu được bản chất của cuộc sống là Vô thường, ta sẽ không còn bám chấp vào những thứ giả tạm trong thế gian.

Nhận biết về Vô ngã:Chính vì vạn pháp thế gian vốn vô thường nên chúng không thực sự tồn tại như ta hằng lầm tưởng. Nói cách khác, tất cả đều không có tự ngã chân thật, vì vậy gọi là Vô ngã.

Ví như bản thân ngôi nhà nếu đem phân tích, sẽ chẳng có gì được gọi là ngôi nhà một cách độc lập. Ngôi nhà đó bao gồm các yếu tố như cốt thép, xi măng, gạch, ngói…. Nếu thiếu đi dù chỉ một yếu tố sẽ không thể tạo nên ngôi nhà.

Tương tự, bản thân “cái tôi” của chúng ta cũng chỉ là một tập hợp của “ngũ uẩn” với “uẩn” tích tập lại mà thành. Không có gì gọi là một cái tôi thực sự, thuần nhất, bất biến. Đời sống của mỗi chúng ta thực chất chỉ là một chuỗi hiện tượng thân, tâm đã hoạt động vô lượng kiếp trước khi ta sinh ra và sẽ còn tiếp tục vô tận sau khi ta chết đi. Ngũ uẩn này dù riêng lẻ từng uẩn hay hợp chung lại, chúng không hề tạo thành một cái gì gọi là “cái tôi”. Lòng tin có một “cái tôi”, có một nhân cách độc lập, chỉ là một ảo tưởng vĩ đại!

Chính vì luôn bám chấp vào cái tôi, luôn duy trì ảo tưởng huyễn hoặc về một thực ngã như vậy mà hầu hết mọi vấn đề xung đột về sắc tộc, tôn giáo, lãnh thổ, kinh tế, chính trị,… giữa các quốc gia, hay mâu thuẫn giữa cá nhân cứ xảy ra triền miên. Đây cũng là nguồn gốc của mọi đau khổ.

Hiểu về tính Không: Bởi vạn pháp bao gồm ngũ uẩn là vô thường, vô ngã nên bản chất của nó chỉ là giả huyễn, là không. Chữ “không” ở đây không mang nghĩa không có gì, mà là không thực hữu, không có tự tính, không tồn tại độc lập một mình mà phải có sự liên hệ nhân và duyên.

Thân người là một hợp thể nhân duyên bao gồm yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần, gọi một cách chung lại là ngũ uẩn. Chỉ cần một yếu tố không hoạt động hay gặp trục trặc thì cơ thể này sẽ bị bệnh, đau yếu hoặc không còn tồn tại nữa.

Như vậy: bốn khía cạnh vô thường, khổ, không, vô ngã góp phần hoàn thiện bức tranh khổ đau triền miên của đời sống - một sự thật, một chân lý không thể chối bỏ.

Khi nghe thuyết giảng về Khổ đế, một số người hiểu biết cạn cợt cho rằng thế giới quan Đạo Phật là bi quan, yếm thế. Thực ra để nhìn thẳng vào sự thật, dù nó đắng cay thế nào, đòi hỏi cả trí tuệ và lòng quả cảm.

Mặt khác, Đức Phật không chỉ nêu lên vấn đề, Ngài cũng phân tích nguyên nhân sâu xa của vấn đề, đồng thời đưa ra giải pháp xử lý tối ưu và rốt ráo.

2. Chân lý thứ hai (Tập đế -  Nguyên nhân của đau khổ (samudaya)

Đây là chân lý chỉ ra nguyên nhân của đau khổ. Con người vì vô minh, vì nghiệp tích tập bao đời mà mãi trầm luân trong bể khổ. Để tận diệt được quả khổ, chúng ta phải tiêu trừ được cái nhân của nó. Tập đế đã chỉ rõ thủ phạm đằng sau mọi khổ đau của chúng sinh là Vô minh.

Vô minh chính là cội nguồn của tham, sân, si kéo lôi con người tạo nghiệp để rồi tái sinh và chịu quả khổ.

Nguyên nhân chấp Ngã (tham, sân, si)

Tham lam, giận dữsi mê thiếu trí tuệ là ba phiền não căn bản khiến con người luôn chìm trong khổ đau. Sự vô minh mê mờ khiến ta bám chấp vào cái tôi và tất cả những gì chúng ta cho rằng thuộc về tôi. Sự tin tưởng một cách sai lầm vào bản ngã khiến chúng ta phân biệt ta và người, từ đó mọi yêu ghét buồn vui, mọi tư tưởng đối đãi phát khởi, và bức tranh luân hồi khổ đau được vẽ nên.

Tâm bám chấp là gốc rễ phát khởi lòng tham, tính vị kỷ cũng như tâm sân hận, tật đố và các phiền não nhiễm ô khác. Ta không hiểu rằng mọi sự vật hiện tượng trên thế gian đều vô thường và biến đổi từng phút giây. Ta luôn lấy cái “tôi” là tâm điểm, rồi tham lam, vun vén chạy theo những nhu cầu bất tận của bản thân. Lòng tham khiến ta tìm mọi cách thỏa mãn tham vọng cá nhân, kể cả việc bất chính hay chà đạp, gây đau khổ cho người khác. Tội ác và bạo lực xảy ra khắp nơi cũng đều bắt nguồn từ tham vọng ích kỷ của con người. Tâm tham lam càng mạnh mẽ thì sân hận càng lớn, do ham muốn không được thỏa mãn. Vì bám chấp vào “cái tôi” cố hữu, chúng ta sẽ dễ dàng trở thành nô lệ cho những cơn bão cảm xúc triền miên như tham luyến, sân hận, đố kỵ, kiêu mạn. Cuộc sống của ta vì vậy mà đau khổ trầm luân không lối thoát.

Mười hai nhân duyên: Mười hai nhân duyên giống như mười hai mắt xích. Mỗi mắt xích là kết quả của mắt xích trước và là nguyên nhân của mắt xích sau. Trong đó, Vô minh được đề cập đầu tiên bởi đó là nguyên nhân căn bản.

Theo thứ tự nhân duyên, chúng ta có: Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh sắc, Danh sắc duyên Lục nhập, Lục nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thụ, Thụ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sinh, Sinh duyên Lão, Lão duyên Tử.

Triết lý Mười hai nhân duyên không chỉ giải thích tiến trình sinh diệt của thân trong vòng quay sinh tử mà còn mô tả tiến trình tư tưởng. Triết lý này chỉ rõ, mọi hiện tượng tâm lý và vật lý tạo nên đời sống đều nằm trong vòng liên hệ qua lại, chúng là nguyên nhân của một yếu tố này và là kết quả của một yếu tố khác, tạo thành một vòng liên tục với mười hai yếu tố không có điểm kết thúc cũng như bắt đầu. Đây chính là nguyên lý căn bản của sinh tử luân hồi, tức khổ đau.

Quy luật Nghiệp: Nghiệp xuất phát từ gốc tiếng Phạn “Karma”, nghĩa là hành động có tác ý. Nghiệp luôn được bắt nguồn từ những tạo tác của tâm thông qua những hoạt động của thân, khẩu và ý, gọi chung là tam nghiệp. Quy luật Nghiệp nói rằng tất cả mọi hành động của thân khẩu ý với động cơ nhất định sẽ đem lại một kết quả tất yếu sau này. Đây là một quy luật tự nhiên, chi phối tất cả không loại trừ bất cứ đối tượng nào, đồng thời, nó bao trùm khắp cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Một hành động tạo tác thiện lành sẽ đem lại một kết quả tốt đẹp về sau, trái lại, một hành động tạo tác bất thiện sẽ đem đến kết quả xấu ác sau này. Với quy luật Nghiệp hoàn toàn khách quan, công bằng như vậy, chúng ta thấy rõ mình là chủ nhân của chính số phận bản thân, hoàn toàn không có bất cứ Thượng đế hay đấng siêu hình nào đó ban phúc hay giáng họa.

Quy luật Nghiệp giúp chúng ta giải thích rõ ràng, logic và triệt để về nguyên nhân của khổ đau. Như đã nói, vô minh là nguyên nhân cơ bản làm phát khởi các xúc tình tiêu cực (tham lam, giận dữ, đố kỵ, kiêu mạn...). Khi chúng ta suy nghĩ, nói và làm với những xúc tình tiêu cực đó, điều này cũng đồng nghĩa chúng ta tạo nghiệp trong luân hồi. Vô số nghiệp chồng chất từ vô thủy kiếp tạo nên vô số quả khổ đau khiến chúng ta mãi đắm chìm, không thể giải thoát khỏi luân hồi bất tận.

3.Chân lý thứ ba (Diệt đế) - Chấm dứt đau khổ đi kèm với chấm dứt tham ái (nirhodha)

Không chỉ nói về khổ và nguyên nhân của khổ, đức Phật còn chỉ cho chúng ta thấy rằng có thể tận diệt khổ đau, chấm dứt luân hồi sinh tử, đạt được giác ngộ giải thoát chân thật. Trạng thái giải thoát đó thường được gọi dưới cái tên Niết bàn tịch diệt.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, Niết bàn không phải một cõi, một nơi nào đó xa rời thế gian này, cũng không thể hiểu một cách máy móc rằng nơi đó chỉ có sự rỗng không, vắng lặng, diệt trừ hết tất cả chẳng còn gì tồn tại. Niết bàn là sự chấm dứt hoàn toàn của khổ đau, là sự vắng mặt của tham, sân, si là tâm giác ngộ tuyệt đối siêu việt vượt mọi ngôn từ và nhận thức thế gian thông thường.

Hiểu một cách thực tiễn là khi đã giác ngộ được chân lý về khổ trong Khổ đế, hiểu được bản chất những nguyên nhân gây ra đau khổ trong Tập đế, cũng như thành tựu thực hành tu tập các phương pháp diệt khổ trong Diệt đế là hành giả đã thành tựu quả vị giác ngộ, đạt được chân hạnh phúc và giải thoát luân hồi sinh tử. Mỗi chúng ta dù chưa thể thành tựu giác ngộ tuyệt đối, đều có thể đạt được quả vị giác ngộ ở những cấp bậc khác nhau tương ứng với trình độ hiểu biết và thực hành ba chân lý còn lại của Tứ Diệu đế.

Sự giác ngộ tuyệt đối vốn siêu việt. Cảnh giới giác ngộ là không thể nghĩ bàn nên càng dùng ý niệm và ngôn từ phân biệt để diễn tả thì càng xa với chân lý. Dù vậy, đức Phật từ vì muốn cho chúng sinh được thấu rõ chân lý và phát khởi tín tâm tu tập, Ngài đã khai thị một cách khái quát tương đối về các quả vị giác ngộ này.

Quả vị tu tập của Nguyên thủy Phật giáo:Trải qua các thứ lớp tu tập và chứng ngộ từ quả Dự lưu (bắt đầu nhập dòng Thánh). Quả Nhất lai, Quả Bất lai, A la hán quả (còn gọi là quả Vô sinh). Ở quả vị này bậc A la hán đã tận diệt tham, sân, si nên không còn chịu sự chi phối của sinh tử luân hồi.

Ngoài ra, còn có quả vị Bích Chi Phật (Độc Giác Phật). Bậc Bích Chi Phật ra đời vào thời không có giáo pháp của đức Phật, các Ngài tự quán sát Mười hai nhân duyên mà chứng đạt giác ngộ.

Quả vị tu tập của Đại thừa Phật giáo:Quan điểm của Đại thừa Phật giáo không dừng lại ở sự thành tựu giác ngộ cá nhân. Hành giả khi tu tập cần phát Bồ đề tâm rộng lớn để thực hành Bồ tát đạo với mục đích đem lại giải thoát cho vô lượng chúng sinh trong luân hồi. Vì vậy, các cấp bậc thành tựu trên hành trình này chính là các quả vị Bồ tát được biểu trưng bằng các ngôi: Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, Đẳng giác, Diệu giác và tột cùng rốt ráo là quả vị Phật Viên giác tối thượng, còn gọi là Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Bậc Viên Giác đã tròn đầy, công hạnh tu tập tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.

4. Chân lý thứ tư (Đạo đế) - Con đường giài phóng chúng ta khỏi đau khổ (magga)

Con đường hướng đến giác ngộ Niết bàn đã được Đức Phật chỉ chi tiết trong Đạo đế, là sự thật về con đường chấm dứt khổ đau, đưa đến hạnh phúc chân thật. Bao gồm:

Trí tuệ nhìn nhận bản chất của cuộc sống:

Khi đã được Đức Phật chỉ bày về bản chất khổ đau cũng như những nguyên nhân dẫn đến khổ đau, mỗi người cần suy ngẫm, quán xét để hiểu rõ giáo Pháp. Nếu chưa thể nhận thấy một cách sâu sắc cuộc đời này, vạn pháp trên thế gian cũng như chính thân tâm ta đều chịu sự chi phối của quy luật vô thường, khổ, khôngvô ngã thì sẽ khó đạt được tiến bộ trong hành trình tu tập của mình. Bởi vậy, trí tuệ hiểu biết đúng đắn này được đề cập tới như là một “chính kiến” quan trọng, là yếu tố đầu tiên của Bát chính đạo.

Bảo Chân (biên soạn theo nguồn phatgiao.org.vn)