2021-11-05 15:44:13.0

“TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN”

Và Đạo học chính là “vương vị” trong mọi vương triều. Dù ở thời đại nào Đạo học cũng luôn giữ vai trò quan trọng, thẩm thấu và xuyên suốt sự nảy nở, phát triển của mỗi nhân cách con người, góp phần vào việc “trồng nhân” cho đất nước.

Trong cuộc đời mỗi chúng ta ai cũng từng có một thời học sinh, một thời cắp sách tới trường thật tươi đẹp và đầy ắp kỉ niệm.

"Tiên học lễ, hậu học văn". Đó là lời dạy là phương pháp luận trong giáo dục và đào tạo của các cụ ta thời xưa. Trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, lời dạy này đến ngày nay vẫn còn giữ nguyên giá trị.

“Lễ” được hiểu là phạm trù của đạo đức. “Lễ” có nghĩa là dạy con người cách ứng xử, giao tiếp theo chuẩn mực đạo đức trong các mối quan hệ phải biết kính trên nhường dưới, biết đặt lợi ích riêng sau lợi ích chung. Còn “Văn” có nghĩa là chữ, là kiến thức của loài người được tích lũy và truyền dạy qua nhiều thế hệ.

Muốn trở thành người có “lễ” thì phải học, mà học thì phải học “văn”, tức là học kiến thức, học hiểu biết. Mặc dù vậy nhưng học nhiều không có nghĩa là có đạo đức. Nếu một người có học mà không có “lễ” thì được xem như người đó thất bại. Như vậy, các cụ ta đã dạy để trở thành một con người vẹn toàn thì cần học cả “lễ” và “văn”.  

Nước Việt ta, tự hào có rất nhiều Nhà giáo mẫu mực, luôn đặt đạo lý, đạo đức lên hàng đầu trong phương pháp dưỡng dục con người. Từ người Thầy vĩ đại Chu Văn An, Phan Bội Châu, Lê Quý Đôn,…đến các nhà giáo của các thời đại. 

Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng đã từng nhấn mạnh trong phát huy giáo dục: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. 

Với truyền thống “Tôn sư trọng Đạo”, “Nhất tự vi sư - Bán tự vi sư”, một chữ cũng là Thầy, nửa chữ cũng là Thầy.

Mỗi mùa tri ân về, chắc hẳn chúng ta ai cũng sẽ nhớ đến những người Thầy mà mình đã được học, đã có nhân duyên gặp gỡ trong suốt hành trình nhân sinh này. 

“Tôn sư trọng Đạo” được hiểu là học, là kiến thức, là chân lý mà thầy truyền giảng. "Tôn sư" là sự đề cao vai trò và vị trí của người thầy. Trong quan niệm truyền thống, đó cũng là thể hiện sự tôn kính trước học vấn của thầy, trước sự đức độ của thầy. "Trọng đạo" có nghĩa là đề cao việc học, xem việc học và kiến thức là quan trọng.      

Bên cạnh người Thầy truyền dạy kiến thức, chúng ta còn có những người Thầy đầu tiên là ông bà, cha mẹ, là những người thân trong gia đình, dòng tộc của mình. Như vậy Đạo ở đây còn được hiểu rộng hơn nữa là Đạo gia đình, Đạo làm con.

Ở nước ta, Đạo học gắn bó với đời sống nhân sinh. Chúng ta là thế hệ hậu sinh, chúng ta có quyền tự hào là người Việt Nam không chỉ có văn hóa mà còn có văn hiến.

Và Đạo học chính là “vương vị” trong mọi vương triều. Dù ở thời đại nào Đạo học cũng luôn giữ vai trò quan trọng, thẩm thấu và xuyên suốt sự nảy nở, phát triển của mỗi nhân cách con người, góp phần vào việc “trồng nhân” cho đất nước.

Cốt lõi của Đạo học là đạo đức, là dạy chúng ta làm người, làm người tử tế, người có ích cho gia đình, xã hội.

Trong môi trường truyền thống đó, con người dường như thân thiện hơn, thuần nhẹ hơn. Thầy là Thầy và trò là trò rất rõ ràng nhưng cũng rất gần gũi. Từ bi, bác ái từ đó mà nảy nở, tình yêu thương, lòng vị tha cũng từ suối nguồn đó mà sinh ra.  

Còn thời nay, một bức tranh giáo dục hiện hữu có phần nghiêng lệch, rời xa truyền thống. Học sinh thời nay bị áp lực từ trong trứng nước mà bắt nguồn phần nhiều cũng bởi tham vọng, mong muốn của các bậc làm mẹ, làm cha. Những khát vọng “con mình phải hơn con nhà người ta”, “lớp mình phải luôn dẫn đầu thành tích học tập đứng thứ nhất trong trường”,… đã vô hình đè lên đôi vai học sinh rất nhiều gánh nặng, rất nhiều điều khó nói.

Một bức tranh giáo dục xưa và nay sẽ được làm sáng tỏ hơn, rộng mở hơn trong buổi sinh hoạt CLB lần thứ 10 với chủ đề: "Luận đàm về giáo dục xưa và nay", được phát trực tiếp trên Fanpage: Thức Thiện Tâm, từ 9h-11h00, Chủ nhật ngày 07/11/2021. Ở góc độ sẻ chia, cùng nhau đàm đạo, tìm ra phương pháp để giúp nhẹ vơi nỗi lo, nỗi lòng của các bậc phụ huynh có con đã trưởng thành hoặc có con đang là học sinh.

Sẻ chia để chúng ta cùng nhận thức rõ rằng: cha mẹ luôn là người thầy đầu tiên, trường học là người thầy thứ 2, các tổ chức đoàn thể là người thứ 3. Đạo học bao hàm tất cả, đào tạo giống như một con thuyền tất cả chúng ta cùng phải chèo đồng nhịp mới có thể giúp tháo gỡ những gút mắc tâm lý trong lòng nhiều phụ huynh cũng như có thể thấu hiểu để giúp con trẻ không còn áp lực. Đưa các em về với đúng vai trò, lứa tuổi hồn nhiên của mình.

Nội dung chia sẻ dựa trên các câu hỏi mà Quý Hội viên đã quan tâm và gửi về cho BTC. Đây là một chủ đề lớn, trong buổi số 10 này, Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh và Nhà văn nhà báo Hoàng Anh Sướng sẽ sẻ chia, giải đáp một phần về những điều tổng quan, căn cốt nhất. Còn các câu hỏi mang tính thực tiễn, áp dụng với các gia đình sẽ được tiếp tục luận đàm trong số tiếp theo.

Trân trọng kính mời./.