2021-10-15 16:47:45.0

SỐNG TRÍ TUỆ, CÓ CHÁNH TÍN - BÌNH AN HIỆN HỮU KHẮP MỌI NƠI

“Chánh tín & Mê tín” cũng luôn giữ vai trò có tầm ảnh hưởng lớn trực tiếp đến nhận thức và là nguồn gốc mà chúng ta thường gọi là nhân quả.

Tiếp nối những chia sẻ về nhân quả, bình an trong mùa covid. Buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Thức Thiện tâm lần thứ 9 xin được tiếp tục với chuyên đề “CHÁNH TIN VÀ MÊ TÍN” kì 2. Chương trình có sự tham gia của Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh và Nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Sướng đã diễn ra trực tuyến vào ngày Chủ Nhật, 03/10/2021 vừa qua.

“Chánh tín & Mê tín” là một chủ đề lớn, len lỏi và xuất hiện trong mọi suy nghĩ, ý tưởng từ trong tâm thức dẫn đến hành động của mỗi chúng ta. Chánh tín và Mê tín xuất hiện ở mọi khía cạnh cuộc sống, từ trong các mối quan hệ gia đình đến các mối quan hệ đồng nghiệp, xã hội, cộng đồng và nhất là trong đời sống tâm linh. “Chánh tín & Mê tín” cũng luôn giữ vai trò có tầm ảnh hưởng lớn trực tiếp đến nhận thức và là nguồn gốc mà chúng ta thường gọi là nhân quả.

Như trong kì sinh hoạt trước, Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh có phân tích: “Chánh là sáng - Mê là tối”, nhưng danh giới đó thật mong manh, chỉ nghiêng lệch một chút thôi  cũng dẫn đến việc chúng ta có thể chọn hoặc đi sai đường.

Nếu như trong kì 1, những lý lẽ về “Sáng và Tối” xoay quanh các chủ đề trong cuộc sống, công việc, những nhận thức trong việc hóa vàng mã giúp Quý vị giải tỏa nỗi lo trong mùa dịch không đi tạ mộ dịp Rằm tháng 7, không đi dâng hương nghĩa trang vào ngày tri ân các anh hùng liệt sĩ do ảnh hưởng của dịch covid.

Thì trong kì sinh hoạt CLB Thức Thiện Tâm lần thứ 9, Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh và Nhà văn nhà báo Hoàng Anh Sướng đã chia sẻ đến Quý bạn đọc những nội dung rất thiết thực. Từ thực tiễn ngược dòng lịch sử, để mỗi người dân chúng ta luôn được bình tâm, được an vui.

Liên quan đến việc xem ngày giờ tốt, có Hội viên đã hỏi rằng: “Xem ngày, giờ tốt. có được hiểu là mê tín không ạ?”

Có thể nói, xem ngày giờ tốt là một phong tục tập quán của người Việt chúng ta. Khi chúng ta luận đàm về vấn đề Chánh tín và Mê tín ở một góc độ nhỏ, mang tính thực tiễn. Với câu hỏi trên, theo giáo lý nhà Phật thì ngày nào cũng là ngày đẹp, giờ nào cũng là giờ đẹp. Đó là đối với những người đã tu tập, đã giác ngộ, đã đạt được nhận thức chuẩn.

Người đó tin vào nhân quả, tin rằng nhân quả chi phối mỗi con người. Khi chúng ta gieo một suy nghĩ thiện lành, chúng ta sẽ nhận lại được những kết quả thiện lành. Vì thế mà, việc xem ngày giờ tốt sẽ không còn quan trọng với những người thực hành Phật Pháp chân chánh.

Còn theo nhân sinh quan, đa phần chúng ta có thói quen xem ngày giờ tốt khi xuất hành, khai trương, mở cửa hàng, lên nhà mới hay làm một việc lớn. Điều đó cũng không sai, vì nó phù hợp với mỗi nền văn hóa, với tầm mức tâm linh và cuộc sống thực tại của mỗi người và chúng ta cần đến một bậc thầy tri thức chân chính giúp chúng ta việc này.

Vậy Chánh tín ở đâu, Mê tín ở đâu? Nếu nhìn theo Đạo trời để cuộc sống của chúng ta được bình an thì chúng ta cần có một vị thầy chọn cho chúng ta một ngày bình an. Bởi xung quanh chúng ta luôn tồn tại nhiều nguồn năng lượng tích cực, là thiện thần. Và nguồn năng lượng đó khế hợp với công việc của chúng ta thì nó sẽ trợ duyên mang đến cho chúng ta niềm vui, sự may mắn, hoàn mãn. Thì đó được coi là ngày đẹp, tốt ngày.

Chính vì những lý do đó mà chúng ta cần lắng tâm lại, để lắng nghe xem chúng ta đang ở cấp độ nào. Chúng ta có thật sự thấu hiểu Đạo trời và đang tu tập để ngày càng trở về gần hơn với Mẹ thiên nhiên hay không. “Bồ tát sợ nhân - Chúng sinh sợ quả”, chỉ cần lắng tâm xuống, chúng ta sẽ tự tìm ra cho mình một phương pháp đúng đắn, hợp lý.

Và một câu hỏi khác cũng khiến nhiều người trăn trở: Là Phật tử đã quy y mà vẫn còn đi dâng sao giải hạn. Như thế có được gọi là mê tín hay không?

Là Phật tử hay là người tu tại gia chúng ta cũng cần có thêm cái nhìn vũ trụ quan bên cạnh cái nhìn nhân sinh quan. Dâng sao giải hạn là một hình thức tín ngưỡng với mong muốn cho bản thân, gia đình, dòng họ được bình an. Nhưng vì cuộc sống vật chất phát triển “phú quý sinh lễ nghĩa” nên có phần nào đã đánh mất đi ý nghĩa của việc dâng sao. Người ta ngày càng bị nghiêng lệch, coi trọng hình thức hơn.

Còn nếu hiểu dâng sao theo cách hiểu của Đạo trời, là một phẩm lễ trong sáng. Là khoảnh khắc chúng ta chắp tay, chúng ta dâng trình công đức của cha mẹ, của dòng tộc, của gia đình để thưa với Mẹ thiên nhiên những đức hạnh cao quý chúng ta đã làm được. Đồng thời cũng sám hối với Người và quyết tu tâm sửa tính để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chúng ta hiểu thấu “ván cờ nhân quả”, là nhân thiện - ác chúng ta đã kiến tạo từ kiếp trước mà nói nôm na ta gọi là số phận. Vậy thì bình an ở nơi đâu? ở ngay trong chính chúng ta. Khi chúng ta thành tâm sám hối, chúng ta quyết sửa sai, chúng ta mở lòng yêu thương thì khi ấy hai chữ bình an hiện hữu ở khắp mọi nơi. Chúng ta cũng không cần quá khắt khe với việc “là Phật tử còn đi dâng sao giải hạn”.

“Trong lịch sử nước ta từng có những đàn lễ tế trời đất. Việc người xưa lập đàn lễ có được cho là mê tín hay không”?

“Duyên sinh pháp yểm”, đã gọi là tín ngưỡng dân gian thì nó ắt phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Trong quá trình phát triển lịch sử của nhân loại. Vui quá cũng làm chúng ta mê mờ mà đau khổ quá cũng làm chúng ta mê mờ. Nên chúng ta cần  một con đường Trung Đạo như Đức Phật đã dạy để chúng ta giữ gìn được Đạo lý, Đạo đức theo dòng chảy của thời gian và năm tháng.  

Việc sắc phong công trạng cho những người vì dân vì nước trong các đàn lễ là một việc mà lịch sử đã ghi danh. Như triều đại Nhà Nguyễn vẫn còn đàn tế Nam Giao và đã được phục dựng trở thành một di sản của nước ta.

Còn việc các ngôi chùa tụng kinh cầu an gửi tâm niệm đến với các vị Đại tướng của dân tộc - Đại Tướng Võ Nguyên Giáp nhân ngày giỗ của Người cũng là vô lượng tâm thiện. Và chúng ta cần nhìn theo hướng tích cực, là dịp để chúng ta tri ân, tưởng nhớ vị Đại Tướng huyền thoại của dân tộc.

Và làm thế nào để chúng ta tu tập, thực hành đúng cho Chánh không Mê?

Thì việc đầu tiên chúng ta chân thành với chính mình, rằng trong ta tham, sân, si, ái dục còn nhiều. Mỗi ngày một chút, ta tự soi lại chính ta, ta bớt sân chưa, bớt si mê chưa, ta đã làm được việc gì tốt, ta đã làm ai tổn thương?

“Trí bồ đề mở - Vô minh ắt diệt” chỉ khi ta tự quy định với bản thân, tự quyết tâm tu dưỡng thì chúng ta mới xóa được vô minh, tạo dựng một thói quen sống tốt. Sống đúng Đạo lý, Đạo làm con, Đạo làm cha mẹ, Đạo vợ chồng,…vv.

Tu để chúng ta nhận ra, ngày hôm nay ta sáng hơn ngày hôm qua, năm nay ta thanh thản nhẹ nhõm hơn năm trước, cuộc sống của ta càng ngày càng giản đơn hơn, hạnh phúc hơn.

Buổi sinh hoạt CLB lần thứ 9, luận đàm về "Chánh tín và Mê tín" kì 2 chắc chắn đã để lại rất nhiều cảm xúc và sự đồng thuận từ phía Hội viên tham dự hay đón nghe trực tuyến. Hy vọng rằng với những chân lý mà Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh đã chia sẻ sẽ giúp cho tất cả chúng ta cùng tinh tấn, cùng hoàn thiện chính mình.