NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG GIÁO LÝ ĐẠO PHẬT

Giáo lý Phật giáo rất thực tiễn và quan tâm đến người phụ nữ trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

Phẩm hạnh người phụ nữ được đề cao

Như chúng ta đã biết, nữ giới trong xã hội Ấn Độ bấy giờ được xem là không xứng đáng để hưởng bất luận điều gì cao hơn hàng tôi tớ của chồng, của cha, hay của anh. Họ không bao giờ được sắp ngang hàng với nam giới trong xã hội. Điều này dẫn đến một tư tưởng thật cổ hủ: "Sinh con gái là một điều bất hạnh - còn hơn vậy nữa - là một đại họa". Quan kiến hẹp hòi này không phải chỉ có ở người dân thường mà nó còn tồn tại trong cả hàng vua chúa. Trái hẳn với trào lưu tư tưởng đó, Phật cho rằng nơi người phụ nữ vốn tiềm ẩn nhiều đức tính tốt như thông minh, nhẫn nhục, ôn hòa, bao dung, độ lượng...

Đức Phật cũng dùng kệ để tán thán công đức mẹ cha:

"Mẹ cha gọi là Phạm Thiên, 
Bậc đạo sư thời trước, 
Xứng đáng được cúng dường, 
Vì thương đến con cháu, 
Do vậy, bậc hiền triết, 
Đảnh lễ và tôn trọng, 
Dâng đồ ăn đồ uống, 
Vải mặc và giường nằm, 
Thoa bóp (cả thân mình) 
Tắm rửa cả chân tay, 
Với sở hành như vậy, 
Đối với mẹ và cha, 
Đời này người hiền khen, 
Đời sau hưởng thiên lạc".

Dù cập đến cha lẫn mẹ nhưng chúng ta thấy ghi nhận được tinh thần tôn trọng và kính nể hàng nữ lưu trong giáo lý Phật giáo. Là mẹ, người phụ nữ được hưởng danh dự xứng đáng trong Phật giáo. Mẹ được xem là cây thang thích nghi để con cái nương theo đó mà đời sau hưởng Thiên lạc và tạo nên nhiều phước đức.

Theo Ngài, tất cả tánh thiện – ác, tốt - xấu... đều có cả trong hai giới, nam và nữ. Do vậy trong giáo huấn, Ngài đặt mỗi giới vào đúng vị trí của họ. Nam hay nữ không còn là trở ngại cho việc thanh lọc thân tâm hay phục vụ độ tha. Đấy cũng chính là tinh thần bình đẳng giành cho nữ giới được thể hiện trong giáo lý Phật giáo.

Đức Phật dạy: “Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, trong dòng máu cùng đỏ và cho dù là nam hay nữ, giàu sang hay nghèo hèn, địa vị cao hay thấp… tất cả đều có khả năng tu tập và giải thoát giác ngộ trong giáo pháp của Như Lai”.

Bình đẳng dành cho nữ giới

Giáo lý Phật giáo đề cao phẩm hạnh người phụ nữ, đồng thời rất tôn quyền bình đẳng dành cho nữ giới ở trên mọi phương diện: vật chất, tinh thần; tánh, tướng; thế gian và xuất thế gian.

Với tâm từ mẫn, vị tha, Đức Phật đã thuyết những lời pháp đúng đắn, thiết thực cho cuộc sống, tạo điều kiện cho hàng nữ lưu có dịp ngẩng cao đầu để hưởng tất cả quyền lợi của mình. Chúng ta có thể bắt gặp những câu kinh gián tiếp nói đến quyền bình đẳng dành cho nữ giới, ví dụ như Kinh Thiện Sanh có đoạn: "Người chồng nên lấy năm điều mà yêu thương cấp dưỡng vợ. Năm điều đó là gì? Một là yêu thương vợ. Hai là không khinh rẻ. Ba là sắm các thứ chuỗi ngọc, đồ trang điểm. Bốn là ở trong nhà để vợ được tự do.Năm là xem vợ như chính mình. Người chồng lấy năm điều để thương yêu, cấp dưỡng vợ".

Cũng trong bài kinh ấy, Đức Phật khuyên người phụ nữ phải bày tỏ lòng thương kính chồng bằng cách làm tròn phận sự của mình, đối đãi ân cần với nhà chồng, trung thành với chồng, luôn siêng năng, cẩn thận.

Giáo lý Phật giáo đề cao phẩm hạnh của người phụ nữ. Nguồn ảnh: Internet

Tôn chỉ của giáo lý Phật giáo là hướng dẫn người tu tập đạt đến giác ngộ giải thoát. Mọi chúng sanh nếu phát tâm tu tập, hành trì chánh pháp đều được đạt đến kết quả cứu cánh như nhau.

Vì chân lý tuyệt đối, thành quả giải thoát không dành riêng cho ai, kể cả đức Như Lai. Khi Cundì, con gái vua sau khi nghe anh mình nói: "Nếu có người đàn bà hay đàn ông quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ say đắm rượu men, rượu nấu, người ấy sau khi thân hoại mạng chung, người ấy nhất định được sanh lên cõi lành, không vào cõi dữ", đã đến bạch hỏi Phật phương pháp tu tập thì được Phật giảng giải như sau:

"Dầu cho các loại hữu tình nào, này Cundì, không có chân hay hai chân, bốn chân hay nhiều chân, có sắc hay không sắc, có tưởng hay không tưởng, hay phi tưởng phi phi tưởng, Thế Tôn, bậc A la hán, Chánh đẳng giác được xem là tối thượng! Những ai đặt lòng tin vào đức Phật, chúng đặt lòng tin vào tối thượng. Với những ai đặt lòng tin vào tối thượng, chúng được quả dị thục tối thượng".

Như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa về vấn đề bình đẳng trên phương diện giác ngộ giải thoát của người phụ nữ. Trong Phật giáo, người nữ không những được bình đẳng trên phương diện xã hội, giáo đoàn mà còn được quyền bình đẳng trong các phương diện giải thoát tâm linh.

Đó là trường hợp của hoàng hậu Khemà đã đắc quả A la hán trước khi xuất gia, là trường hợp của Isidàsi, một người phụ nữ đau khổ có bốn đời chồng, sau khi xuất gia sống đời giải thoát đã diễn tả trong một bài thơ nỗi niềm sung sướng vì đã thoát khỏi một cách vinh quang ba điều khó chịu là cối, chày và người chống bất chính và cuối cùng vị này hân hoan tán thán pháp lạc tuyệt vời của người đắc quả vô sanh:

"Tôi đã giải thoát khỏi sống và chết, 
Tôi đã cắt đứt sợi dây luân hồi".

Người phụ nữ có khả năng chứng đắc quả vị giải thoát điều này không còn nghi ngờ gì nữa. Bao lâu nay theo quan niệm cổ truyền, mọi người trong xã hội Ấn đều nghĩ rằng phương diện tinh thần và đạo đức người phụ nữ thấp kém hơn người nam, thì nay Phật giáo cho mọi người thấy nữ tính không phải là trở ngại cho việc tiến bộ.

(Tổng hợp)