HỘI VIÊN CHIA SẺ: TÌNH YÊU THƯƠNG XUẤT PHÁT TỪ TÂM

Một người lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ, đặc biệt là của anh chị em thì chắc chắn sẽ có nhiều hoa thơm trái ngọt. Kính mời Quý hội viên cùng lắng nghe chia sẻ của chị Vũ Thị Cậy – Hội viên CLB Thức Thiện Tâm qua bài viết sau!

Em tên là Vũ Thị Cậy, sinh năm 1984. Em đang có một doanh nghiệp nhỏ kinh doanh về lĩnh vực thiết bị nhà bếp công nghiệp trong Nhà hàng - Khách sạn. Hiện tôi đang sinh hoạt trong nhóm 7 CLB Thức Thiện Tâm.

Em sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp ở vùng quê nghèo Thái Bình. Gia đình tôi rất nghèo nhưng có truyền thống cách mạng, yêu nước. Bà nội là bà mẹ Việt Nam Anh Hùng, bố đi bộ đội bị thương nặng, cũng là liệt sỹ. May mắn thay bố mẹ sinh được 4 anh chị em, trong đó có 3 anh trai, em là em gái.

Ba em mất năm tôi 2 tuổi, đó là lúc bệnh phổi của ba tái phát (khi ba bị thương phải cắt đi một bên phổi). Khi ba mất, mẹ cũng có rất nhiều đau buồn, sốc. Trong hoàn cảnh gia đình nghèo mà ba mất sớm, mẹ một mình vừa chăm bà, vừa chăm 4 anh em. Rồi mẹ đã mắc bệnh nặng, bệnh về thần kinh nên nhiều khi mẹ không làm chủ được hành vi và cảm xúc của mình. Anh trai phải đứng ra lo liệu cho đám tang của ba, cũng như lo liệu cho cả 4 anh em.

Chăm sóc nhau từ tâm

Năm 7 tuổi, em mắc 1 chứng bệnh lạ. Em đang đi học không hiểu sao chân lại rất đau nhức. Về nhà thì các anh hỏi bị làm sao, tôi chỉ nói là chân bị đau quá, không đi học được. Nhưng anh không tin, chắc là ngã vào đâu đó rồi. Khi đến viện, bác sĩ lại không chụp chiếu mà bó bột luôn, vì vậy nên nó không đúng bệnh. Về nhà 2 tuần sau thì chân em bắt đầu bị thối, bốc mùi chảy mủ, gia đình quyết định đưa lên viện để khám lại. Khi khám lại bác sĩ mới cắt bột ra, kiểm tra thấy mủ đã chạy hết toàn bộ chân bên trái.

Bác sĩ lúc đó chụp chiếu khám lại nói rằng đây là bệnh viêm cơ chứ không phải gãy chân, nhưng bệnh đã bị nặng, chuyển vào trong xương, gần vào tủy, cũng như có thể chạy khắp toàn cơ thể. Vậy nên, một giải pháp cuối cùng là phải tháo khớp chân bên trái. Cả gia đình đứng tim trước thông tin này của bệnh viện, đặc biệt là anh trai em. Anh không đồng ý vì cả gia đình có một mình em là em gái, mọi người rất yêu thương và rất quý, bây giờ để em mình bị tàn phế hay sao? Có mỗi 1 chân thì cuộc đời em sẽ thế nào? Ba mất sớm mẹ bệnh nặng, ai sẽ lo cho em cả cuộc đời? Chính vì vậy, anh trai em quyết định không theo phương pháp của bệnh viện.

Hội viên Vũ Thị Cậy chia sẻ câu chuyện của mình.

Anh quyết đi tìm những người thầy thuốc giỏi nhất cho em. Bằng tình yêu thương, sự khởi cầu và ơn trên soi xét, cuối cùng anh em cũng tìm được một người thầy thuốc rất giỏi nhờ sự giới thiệu của một bác trong họ. Thế nhưng, nhà bác cách rất xa, thời đó chỉ có đi xe đạp thôi chứ không có phương tiện gì khác. Anh đèo em xuống đó hơn 10km. Khi đến thì bác sĩ nói là bệnh của cũng khá nặng rồi, muốn chữa chạy cần một thời gian rất dài, và cần cả tài chính, cần cả người chăm sóc. Nhưng nếu gia đình quyết tâm thì tôi có thể chữa khỏi cho cháu.

Vì thế, ba anh trai em đã quyết tâm cứu bằng được em gái của mình. Anh cả ở lại chăm sóc cho em. Anh thì làm nghề đánh bắt cá, một anh nữa làm nghề buôn bán đồng nát sắt vụn, gom lại đưa anh cả chữa bệnh cho em. Đằng đẵng suốt gần một năm trời ở nhà bác sĩ, cuối cùng bệnh của em đã thuyên giảm, gần như cứu được 80% cái chân cho em, chỉ bị cắt đi phần xương bị viêm mục phải nạo đi. Sau đó phải phẫu thuật 4 lần cái chân đó, từ mắt cá chân, đến bắp chân, đầu gối, khớp háng, sau đó chân em đã lành lặn lại. Bác sĩ nói để khỏi hoàn toàn thì gia đình cần đưa về nhà chữa trị tiếp sáu tháng nữa. Sáu tháng này thì theo phương pháp đông y, rất mất thời gian. Các anh phải đi lấy lá bông, các lá để xông cho chân của em, sau khi xông thì vê thuốc, nặn thuốc đút vào các lỗ viêm. Rồi chân của em khỏi được hoàn toàn, đó là một sự hạnh phúc, biết ơn và kính trọng vô bờ bến tình yêu thương và công sức của các anh trai dành cho em.

Thời điểm đó, chưa anh nào có gia đình cả, dù tuổi của anh cả với em chênh nhau 20 tuổi, khi đưa đi chữa bệnh mọi người cứ nói là 2 bố em, anh rất chăm nom yêu thương, ân cần chu đáo với em như một người cha với con mình. Thậm chí có cô ở khu chữa bệnh cảm mến, quý anh vô cùng tới có tình cảm với anh mà anh không dám đáp lại, vì mẹ và em gái đều bệnh nặng, lại có 2 em trai nữa, anh đã quên đi hạnh phúc của mình để quan tâm hết lòng vì các em. Lúc đó anh hơn 30 tuổi rồi, mà thời đó hơn 30 tuổi rất muộn để lập gia đình rồi. Anh chưa bao giờ một lời thở dài trách móc, luôn động viên, quan tâm ân cần đến em. Đằng đẵng chở em đi chữa trị hơn mười cây số cả năm liền, đi bằng xe đạp, nhiều lúc ngồi đằng sau em ngủ gật suýt ngã anh cũng không trách móc gì.

Yêu thương nhau từ tâm, không cần phải đền đáp.

Sau khi em khỏi chân anh cũng đã lập được gia đình riêng của mình. Lần lượt anh hai và anh ba cũng lập gia đình. Đến năm em học cấp 3 gia đình rất nghèo, không đủ tài chính cho em đi học tiếp được dù em năm nào cũng là học sinh giỏi trong đội tuyển đi thi. Nhưng gia đình nói rằng không có tài chính, sau này theo học dở giữa chừng, mẹ lo nên bảo cho đi học may để kiếm cái nghề rồi lập gia đình thôi, nhưng các anh không đồng ý và cùng bỏ tiền cho em đi học. Sau đó, em thi đỗ. Cả gia đình chỉ có một mình em được học đại học thôi. Khi ra trường 2 năm, em lại báo với gia đình đã tìm thấy người phù hợp với mình, xin lập gia đình. Lúc đó các anh lại thay mẹ đứng ra lo liệu 80 mâm cỗ, sát ngày cưới em về 2 hôm và cũng không phải lo một cái gì trước đó. Thật sự em vô cùng biết ơn.

Đến năm 2012 em cũng lập được công ty. Đến năm 2014 công việc phát triển và em đưa anh thứ 3 lên cùng em quản lý công ty, lái xe, lắp đặt thiết bị. Sau đó, con của anh cả cũng lên đại học, em cũng mời cháu tới ăn học ở nhà em 4 năm. Sau đó, cháu ra trường và em cũng giữ lại làm cho công ty của mình.

Dù bao biến cố vẫn yêu thương nhau

Năm 2015, em bắt đầu có biến cố lớn trong gia đình, có những xung đột căng thẳng không thể xử lý được. Lúc đó, em quyết định 2 mẹ con ra ở riêng. Nhờ sự nâng đỡ của anh và toàn thể gia đình, các anh chị em trong nhà, em có đủ sức mạnh để làm lại sự nghiệp của mình, lập công ty và xây dựng thương hiệu. Khi đó ra làm riêng, em còn bị âm, bị trả nợ, nhưng mà anh trai đã giúp đỡ, thậm chí cho vay toàn bộ sổ đỏ đất cát ở quê để em làm lại từ đầu. Đó thực sự là hết sức may mắn. Nhờ tình yêu thương hỗ trợ cả về vật chất, tài chính và tinh thần mà em đã có động lực mạnh mẽ để có thể đứng lên gây dựng lại được công ty. Giờ công ty đã có thương hiệu, có uy tín, có chỗ đứng trên thị trường và cũng lo được công ăn việc làm cho các chị em, giúp được anh trai.

Vợ của anh cả mắc bệnh K, đây thực sự là tin rất sốc cho anh. Thương anh lắm, thương chị lắm, vì thế em cũng động viên tinh thần, hướng đạo cho chị. Khi xưa chị sống nhiều khi chưa biết đến đạo Phật, chưa ai hướng nên hơi vô tâm, nhưng khi chị mắc bệnh, em là người hướng đạo và dẫn đạo cho chị, chị đã xoay tâm. Từ lo sợ, tự ti, khổ với bệnh tật, chị chuyển sang sống vui vẻ hạnh phúc hơn. Hàng ngày tụng kinh niệm Phật và có thêm niềm tin, đức tin khi ở cùng gia đình em trên này. Chị được sự quan tâm cả của anh ba, mỗi tuần đi truyền, anh ba lại chở chị dâu đi, truyền xong lại chở chị dâu về. Chị được sống trong sự quan tâm yêu thương của mẹ chồng, của em gái, em trai, em thấy bệnh tình của chị thuyên giảm rõ rệt.

Chị Vũ Thị Cậy cùng anh trai trao bó hoa cảm ơn Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh.

Em ngộ được những điều này đều nhờ công ơn của bà Phan Oanh rất là lớn. Bà là người dẫn đạo, khai đạo cho em để em có thể ngộ sâu hơn về tình anh em, biết thế nào là lòng biết ơn, sự hiếu thảo, quan tâm chăm sóc, báo ơn đến tất cả những người anh em, người thân trong gia đình. em cảm thấy mình vô cùng may mắn, hạnh phúc khi được sống trong gia đình đầy đủ sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc và sẻ chia.

Để có được như ngày hôm nay, ngoài nhờ cảm ơn các anh các chị trong gia đình, cảm ơn cha mẹ đã cho con cuộc sống này, cảm ơn gia tiên luôn đi theo phù trợ cho con. Con xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến bà Phan Oanh đã mở đạo, dẫn đạo cho con có thể mang đạo vào nhập thế, sống một cuộc đời bình an hạnh phúc, mang đạo vào công việc để làm ăn hợp tác đôi bên cùng có lợi và sống được an đạt.

Xin cảm ơn Hội viên Vũ Thị Cậy đã chia sẻ!