HỘI VIÊN TRẦN THANH THỦY: HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH LÀ ĐỘNG LỰC VƯỢT QUA MỌI KHÓ KHĂN

Cuộc sống gia đình hạnh phúc chính là nền tảng vững chắc, là sự động viên cho các con, các cháu và là niềm tự hào của chúng.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 5 anh chị em. Tôi là con út và may mắn là được bố mẹ quan tâm đặc biệt. Bố mẹ tôi là những người chịu thương, chịu khó và chăm lo cho cuộc sống của các anh chị em được ăn học đầy đủ.

Tôi vì đi học sớm hơn tuổi nên 16 tuổi đã tốt nghiệp cấp ba, đỗ trung học sư phạm và đến 18 tuổi đã ra trường làm cô giáo dạy tiểu học. 20 tuổi là cưới chồng và chỉ 1 năm sau thì có em bé.

Khó khăn từ những khác biệt.

Hai vợ chồng tôi có hai hoàn cảnh khác biệt. Cuộc sống của hai gia đình, cách nhìn nhận cuộc sống của hai gia đình có nhiều sự khác biệt. Nhà tôi mặc dù không khá giả nhưng bố mẹ vẫn hết sức thương yêu và cho ăn học đến nơi đến chốn. Còn nhà chồng tôi đông con nên luôn phải làm lụng rất cực.

Chị Trần Thanh Thủy - Hội viên Thức Thiện Tâm chia sẻ trong buổi sinh hoạt "Đạo Nghĩa Vợ Chồng".

Giai đoạn đầu về ở nhà chồng thực sự tôi gặp rất khó khăn, rất nhiều sự tủi thân và nước mắt. Ngoài việc là hai gia đình cách biệt thì tính cách của hai vợ chồng cũng có nhiều sự khác biệt.

Chồng tôi có tính gia trưởng, nóng tính. Còn tôi, như đã chia sẻ là được nhận tình yêu thương, chăm sóc từ gia đình nên tính tình hiền lành nhưng cũng quyết đoán và không cam chịu. Gia đình chồng tôi tuy anh chị ăn riêng nhưng vẫn sống chung trong một ngôi nhà, cho nên mọi thứ sinh hoạt lúc mới đầu về làm dâu khó khăn lắm.

Mình rất thương chồng vì anh vất vả. Gia đình nhà chồng đông con và công việc đồng áng thì rất là nhiều. Bố mẹ chồng nuôi 2 con bò và nhận cày ruộng thuê. Các anh chị em trong gia đình ít giúp đỡ bố mẹ nên anh sẽ gánh vác và còn tôi thì chỉ thu xếp thôi.

Biến cố bệnh tật

Sau khi vợ chồng tôi ra riêng khoảng 2 năm, bố chồng nhà tôi bị bệnh hiểm nghèo (ung thư phổi) và ra đi rất nhanh. Lúc này, vì thương mẹ với các em nên dù đã ở riêng, hai vợ chồng tôi vẫn cứ ra - vào thường xuyên để đỡ đần giúp đỡ mẹ.

Chồng tôi làm việc rất vất vả, vừa đi làm ở nhà máy cơ khí, đến khi về nhà lại làm việc đồng áng và phải chăm sóc bố mẹ hai bên. Từ năm 37 tuổi, anh chồng mắc xơ gan mãn tính, tình tính nóng nảy hơn. Mình hiểu vì do bệnh nên luôn cố gắng động viên anh.

Để phụ giúp gia đình, tôi ngoài dạy học thì nhận thêm ruộng để làm thêm, chăn nuôi lợn gà. Thứ 7, Chủ Nhật và những tháng nghỉ hè đạp xe ra Hà Nội bán hoa quả.

Cũng may mắn là mặc dù gia đình khó khăn, lương giáo viên và lương bộ đội không dư giả gì, tất cả mọi người trong gia đình đều cố gắng. Các con, các cháu ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập và đều học trường chuyên lớp chọn, đều là học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Đấy là một niềm động viên để cho hai vợ chồng tôi cố gắng rất là nhiều.

Hạnh phúc gia đình là động lực vượt khó khăn

Có 2 điều mà đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn. Đầu tiên là chồng tôi rất quan tâm, yêu thương vợ con, mặc dù anh có hơi nóng tính. Tôi luôn tin tưởng rằng, chồng là chỗ dựa về tinh thần cho chính bản thân mình. Thứ hai là các con nhà tôi. Các cháu ngoan, học hành tiến bộ. Tôi rất tự hào.

Từ cuộc sống tôi mới đúc kết và hiểu được câu hỏi của các cụ: Có duyên mới gặp và có nợ thì mới yêu nhau. Cuộc sống vợ chồng cũng là một cặp duyên nợ và làm sao mà để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn về cái khác biệt, về tính cách, khác biệt về gia đình để cùng nhau có những quan điểm chung và cùng nhau xây dựng cuộc sống hạnh phúc gia đình.

Trong hành trình sửa đổi cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình, bác Phan Oanh luôn là người chỉ đường, dẫn lối, động viên tôi.

Mình biết bác cách đây hơn 30 năm. Bất kỳ một biến cố nào trong cuộc sống, có khó khăn gì trong đầu tôi đều nghĩ ra gặp bác. Bác đã giúp đỡ tôi rất nhiệt tình. Bác là nguồn động viên lớn nhất của con, của gia đình con, của các con con.

Hạnh phúc gia đình ảnh hưởng rất lớn đến các thế hệ trẻ. Tôi đã là người chứng kiến sự buồn của những học sinh có bố mẹ ly hôn hoặc gặp biến cố gia đình. Gia đình nào có bố mẹ hạnh phúc cùng nhau giáo dục con cái thì các con sẽ khác hẳn. Gia đình nào có bố mẹ hay xảy ra những cái va chạm thì các con bị ảnh hưởng rất tiêu cực. Có những cháu học sinh tâm sự với tôi như thế này: "Cô ơi, khi con thấy bố mẹ con cãi nhau lúc đó con chỉ muốn chết".

Quả thật, cuộc sống gia đình hạnh phúc chính là nền tảng vững chắc, là sự động viên cho các con, các cháu và là niềm tự hào của chúng.

Hội viên Trần Thanh Thủy chia sẻ