2022-10-13 00:00:00.0

TỨ VÔ LƯỢNG TÂM LÀ GÌ?

Tứ Vô Lượng Tâm là "bốn trạng thái tâm thức vô lượng", còn được gọi là Tứ phạm trú, là Từ - Bi - Hỷ - Xả.

Bốn tâm này đối trị bốn phiền não là sân hận, ganh tị, buồn bực và tham muốn. Trong Đại Thừa, Bốn tâm vô lượng cũng được gọi là hạnh Ba-la-mật-đa. Đó là tâm thức của Bồ Tát muốn cứu độ chúng sinh.

Phật Thích Ca Mâu Ni giảng về phép thiền định này như sau:

"Có bốn vô lượng. Hỡi các tỉ-khâu, một người tràn đầy tâm từ, bi, hỉ, xả sẽ phóng tâm đó đi một phương, hai phương, ba phương, bốn phương, rồi phía trên, phía dưới, xung quanh mình. Người đó phóng tâm đi khắp thế giới, chiếu rọi khắp nơi với tâm từ, bi, hỉ, xả, tâm thức vô lượng vắng bóng sân hận và phiền não."

1. Từ vô lượng

Còn gọi là Tâm từ, tâm từ trầm tĩnh, bi mẫn khoan dung đối nghịch với sân hận, giận dữ. Tình yêu thương (không phải là tình yêu đôi lứa) to lớn, đồng đều dành cho tất cả chúng sinh vạn vật, không thành kiến, phân biệt đối tượng, làm cho tâm ta trở nên êm dịu mát và chân thành, thiện ý, lời nói chân thật, thiện chí, hành vi đúng mực.

2. Bi vô lượng

Bi là sự thương xót, thấu hiểu, cảm thông, cũng là liều thuốc chữa chứng bệnh hung dữ, ngang tàng, độc ác. Là động lực làm cho tâm người thiện lành, rung động trước sự đau khổ của kẻ khác, biết suy nghĩ và chia sẽ, giúp đỡ vượt qua khó khăn, thử thách của cuộc sống; lắng nghe và thoa dịu lo lắng, đau khổ của người khác.

3. Hỷ vô lượng

Là tâm hoan hỷ, vui mừng thành tâm với hạnh phúc, thành công, thành quả của người khác. Là một trạng thái bình tĩnh và hạnh phúc của chân tâm. Tâm Hỷ đối nghịch ưu lo, phiền não có chiều hướng ngăn trừ lòng ganh ghét, đố kỵ.

4. Xả vô lượng

Lòng buông xả, không câu chấp bám chặt vào bất cứ điều gì, khi nhận ra và từ bỏ tham lam ích kỷ, vọng tâm, kiêu ngạo khi tự coi mình là trung tâm, đề cao giá trị bản thân. Thân tâm giữ vững trước sự vô thường thế gian, thản nhiên trước sự thay đổi của thế nhân; đời là bể khổ mà vẫn ung dung, bình thản, không bận lòng, phiền muộn hay lo lắng trước thuận cảnh hay nghịch cảnh. Mọi hiện tượng luôn chuyển biến theo quá trình Thành, Trụ, Hoại, Không (sinh, trụ, dị, diệt) nên không mê đắm vật chất giả tạm, không vui quá đà mà cũng không luẩn quẩn u sầu, vinh hay nhục thì tâm vẫn không động.

9 điều lợi mà từ bi mang đến cho chúng ta sự Bình An gốc rễ của An Vui

Tứ Vô Lượng Tâm là bốn trạng thái của tâm khiến ta thương tất cả, buồn cái buồn của chúng sinh, vui cái vui của tha nhân và vạn vật. Nguồn ảnh: Internet

Nhắc lại chuyện Đức Phật lúc còn là Thái tử Siddharta, khi Ngài đi dạo ngoài thành, liên tiếp bốn lần Ngài trông thấy một người bịnh hoạn, lần kế là một người già cỗi, lần nữa là một xác chết và chót hết là một nhà đạo sĩ. Thái độ của Ngài trước bốn hình ảnh của kiếp nhân sinh ấy như thế nào đủ cho ta rõ được chân nghĩa của Tứ vô lượng tâm. Trước sự đau khổ của đời người, lòng Thái tử vô cùng thương xót. Nhưng không như thói thường trong thế sự, Ngài không vỗ về an ủi bằng lời hay giúp đỡ bằng tài vật để làm dịu bớt cái thống khổ mà người thường cho là không thể tránh được. Thái tử suy nghĩ, đặt ra bao câu hỏi cho trí tuệ mình rồi cố bước ra khỏi chỗ thường tình, quyết cắt đứt dây luyến ái, cố một lòng tìm cho kỳ được nguồn cội sự đau thương phiền não, ngỏ hầu chữa cho được căn bịnh của chúng sinh từ vô lượng kiếp. Rồi một hôm, trong chốn rừng sâu, nhằm một đêm trăng sáng, dưới cội Bồ đề, Ngài tìm ra được giải pháp thần hiệu duy nhất để dắt chúng sinh ra khỏi vòng đau khổ, đem chúng sinh đến chỗ yên vui thanh tịnh, thoát ngoài cái quanh quẩn phiền não tử sinh, sinh tử là lĩnh vực còn cái ta vì tâm chưa xả. Ngài đã chứng quả vô thượng, Ngài đã đến nơi sáng suốt, đến bậc Chính Biến Tri. Tâm đã xả tức được Hỷ, được Bi, được Từ đúng chân lý của Tứ Vô Lượng Tâm mà Ngài đã vạch ra vậy.

Tứ Vô Lượng Tâm là bốn trạng thái của tâm khiến ta thương tất cả, buồn cái buồn của chúng sinh, vui cái vui của tha nhân và vạn vật.

Là Phật tử phát Bồ-đề tâm, thực hành hạnh Bồ-tát, ban đầu chúng ta tập khơi sáng bốn ngọn đuốc Từ, Bi, Hỷ, Xả trong tự tâm. Siêng năng hành trì bốn tâm này, để ánh hào quang của bốn ngọn đuốc Từ, Bi, Hỷ, Xả ngày một sáng tỏ, lan truyền tới mọi người quanh mình, như chư vị Bồ-tát thương xót cứu giúp vô lượng chúng sanh thoát khỏi vô lượng nỗi khổ, đạt giác ngộ giải thoát. Được như thế thì ngay bản thân của mình dù không cầu mong vẫn được an vui hạnh phúc. Nếu nói đến công đức, thì công đức vô lậu của việc hành trì pháp tu “Tứ Vô Lượng Tâm” chính là nền tảng đưa vị đó tới quả vị Bồ-đề.

(Sưu tầm)