2022-11-08 00:00:00.0

THẾ NÀO LÀ NGŨ UẨN GIAI KHÔNG?

Chữ “uẩn” mang hàm ý tích hợp, là tập hợp của nhiều phần tử để tạo ra một hiện tượng ảo hóa. Bởi vì hiện tượng ảo hóa đó kéo dài và con người không có cách nào để phát hiện tính cách giả tạo của hiện tượng nên lầm tưởng là thật, và từ lầm tưởng đó mà sướng khổ một cách vô căn cứ.

Ngũ uẩn giai không nghĩa là năm uẩn đều không có thật. Chữ uẩn còn gọi là ấm. Uẩn là nhóm hay tập hợp hoặc tích hợp. Ngũ uẩn bao gồm:
- Sắc (vật chất, matter, material);
- Thọ (cảm giác, perception);
- Tưởng (tưởng tượng, imagination);
- Hành (chuyển động, motion);
- Thức (nhận thức, phân biệt, consciousness, alaya, discrimination).

Chữ “uẩn” mang hàm ý tích hợp, là tập hợp của nhiều phần tử để tạo ra một hiện tượng ảo hóa. Bởi vì hiện tượng ảo hóa đó kéo dài và con người không có cách nào để phát hiện tính cách giả tạo của hiện tượng nên lầm tưởng là thật, và từ lầm tưởng đó mà sướng khổ một cách vô căn cứ.

Tất cả mọi sướng khổ đều là vô căn cứ bởi vì nó dựa trên tưởng tượng. Tưởng tượng này kinh điển Phật giáo gọi là thế lưu bố tưởng tức là tưởng tượng đã phổ biến qua nhiều đời ở thế gian.

Nguyên lý của vấn đề này nằm ở chỗ kinh điển gọi là tất cả các pháp đều không có tự tính, tất cả mọi tính chất của pháp là do tưởng tượng gán ghép của con người. Dễ thấy nhất là ngôn ngữ. Từ ngữ của của bất cứ ngôn ngữ nào đều không có ý nghĩa, mọi ý nghĩa đều là do con người gán ghép cho từ ngữ. Tương tự như vậy, tất cả mọi vật trong vũ trụ đều không có thực chất, mọi tính chất đều do chúng sinh gán ghép cho vật. Đó cũng chính là ý nghĩa của ngũ uẩn giai không.

Ngũ uẩn giai không. - ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP

Nội dung ngũ uẩn

Sắc uẩn (Rùpa-khandha)

Sắc uẩn là yếu tố vật chất bao gồm 4 yếu tố cơ bản Địa (chất rắn), Thủy (chất lỏng), Hỏa (nhiệt độ), Phong (chất khí) và các yếu tố sinh lý như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân; và các yếu tố của giác quan như: hình sắc, âm thanh, mùi, vị, vật xúc chạm.

Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, phàm sắc gì thuộc quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là sắc uẩn” (Kinh Đại Kinh Mãn Nguyệt, Trung Bộ kinh III).

Thọ uẩn (Vedanà-khandha)

Thọ là cảm giác, do sự tiếp xúc giữa giác quan và đối tượng mà sinh ra thọ. Đức Phật dạy có sáu thọ: Mắt tiếp xúc với hình sắc mà sinh thọ; Tai với âm thanh; Mũi với mùi; Lưỡi với vị, Thân với vật cứng-mềm; Ý với đối tượng tâm ý.

Cảm giác theo Phật giáo không dừng lại ở mức độ tiếp xúc đơn thuần mà là cảm xúc. Cảm giác có ba loại: Cảm giác khổ, cảm giác vui sướng và cảm giác không vui không khổ.
Đức Phật dạy: “Này các thầy Tỳ kheo, phàm cảm thọ gì quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là thọ uẩn”.

Tưởng uẩn (Sãnnã-khandha)

Tưởng uẩn là nhóm tri giác có khả năng nhận biết đối tượng là cái gì. Đây là khả năng kinh nghiệm của sáu giác quan và sáu đối tượng của giác quan. Sự nhận biết đối tượng có hai loại: Một là nhận biết đối tượng bên ngoài như mắt thấy tai nghe; Hai là khả năng nhận biết đối tượng bên trong, tức là các đối tượng tâm lý như những khái niệm, ký ức...

Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, phàm tri giác gì thuộc quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là tưởng uẩn”. Như vậy, những tri giác về các đối tượng bên ngoài, bên trong, thuộc thời gian, không gian, đơn giản hay phức tạp đều gồm trong tưởng uẩn.

Hành uẩn (Sankhàra-khandha)

Hành uẩn ở đây có nghĩa là các hiện tượng tâm lý mang tính chất tạo tác nghiệp, có năng lực đưa đến quả báo của nghiệp, nói cách khác là tạo động lực tái sinh. Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, thế nào là hành? Có sáu tư thân này: sắc tư, thinh tư, hương tư, vị tư, xúc tư và pháp tư. Đây gọi là hành” (Tương Ưng Bộ kinh III).

“Này các Tỳ kheo, phàm hành gì thuộc quá khứ, hiện tại hay vị lai, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là hành uẩn”. 
Thức uẩn (Vinnãna-khandha)

Thức là có khả năng rõ biết, phản ánh thế giới hiện thực. Khi giác quan tiếp xúc với đối tượng, thực nhận biết sự có mặt của đối tượng, thức không nhận ra đối tượng ấy là gì, là cái gì, màu gì… đó là chức năng của tri giác (tưởng); thức chỉ nhận biết sự hiện diện của đối tượng giống như tấm gương phản chiếu tất cả những hình ảnh đi ngang qua nó.

Thức có sáu loại: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Thức là nền tảng của thọ, tưởng, hành. Thức là Tâm vương; thọ, tưởng, hành là Tâm sở.

Ngũ Uẩn Giai Không

Tại sao biết “Ngũ uẩn đều không” thì vượt qua mọi khổ ách?

Ngũ uẩn là thân và tâm hay còn gọi là “con người”. Đây là một cá thể do vật chất và tinh thần hợp thành. Nói một cách rộng rãi hơn vật chất và tinh thần hợp thành vạn vật trong vũ trụ.

Nhưng con người thật, tức là “chân nhân”, không phải chỉ là của xác thịt và tình cảm mà nó là những cái có sanh, có diệt, có dơ, có sạch, có thêm, có bớt. Mà cái gì ngược lại, tức là bất sanh, bất diệt, không tăng, không giảm, trước sau như một thì Bát Nhã Tâm Kinh gọi cái đó là “Không” và những kinh khác gọi là Chơn tâm, Diệu Hữu Chơn Không, Thực Tánh, Phật Tánh, Linh Quang…

Tất cả những phiền não, lo âu, khổ sở…của chúng ta đều do cái thân ngũ uẩn mà ra. Thân kêu đói, chúng ta lầm tưởng là cái Ta thật đói. Thân muốn ăn ngon, chúng ta lầm tưởng là cái Ta đòi ăn. Ai mắng chửi, mạt sát, chúng ta giận vì tin rằng họ đụng chạm tới cái Ta của mình. Nhưng tất cả những phản ứng của cơ thể hoặc của thói quen, quan niệm, hay thành kiến kia thật ra không dính dấp gì tới cái Ta thật hết.
 
Nếu nhận thấy ngũ uẩn là không, có nghĩa thân nầy là giả Có thì chúng ta không còn quan tâm lo lắng và phiền não nữa. Có ai nói nặng nhẹ thì mình cũng thản nhiên vì thân không thật nên chúng ta quan tâm, bảo vệ cái không thật để làm gì? Chúng ta ăn uống để sống cũng như dùng bè để qua sông chớ không nên cung phụng, nô lệ cho cái thân giả nầy. Có sơn son, thép vàng cho cái bè thì cũng phải bỏ chiếc bè khi qua sông mà thôi. Vì thế cho dù chúng ta có cưng chìu, nâng niu cái thân giả nầy thì một ngày nào đó cũng phải để lại cho cát bụi mà đi.
 
Đức Phật muốn cho chúng ta thấu hiểu tường tận rằng con người có làm bao nhiêu điều tội lỗi, gây ra lắm nghiệp căn để phải chịu quả báo khổ đời đời cũng tại vì nhận lầm ngũ uẩn là thật có. Chính cái lầm lẫn này mà tam độc, tức là Tham-Sân-Si nẩy sinh để gánh chịu khổ đau.
 
Bài viết tổng hợp