Nhận thư mới
Nhận các thông báo mới nhất từ chúng tôi
Lễ Vu Lan là ngày lễ báo hiếu, không chỉ không chỉ dừng lại là báo hiếu đối với bố mẹ ở kiếp này mà còn là đối với cha mẹ ở nhiều kiếp trước. Nghi lễ "Bông hồng cài áo" trong lễ Vu Lan như là một cách nhắc nhở mỗi con cháu thực hành hiếu đạo. Dù cuộc sống bộn bề, bận rộn đến mấy thì không thể không quên cảm ơn, báo hiếu đấng sinh thành đã vất vả, hy sinh tất cả vì con.
Nghi lễ "Bông hồng cài áo" trong mùa lễ Vu Lan được bắt nguồn từ các tác phẩm viết về mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sáng tác vào những năm 1960.
Theo đó, trong một chuyến công tác tại Nhật Bản, Thiền sư Thích Nhất Hạnh thấy người Nhật đã cài lên ngực thầy một hoa hồng trắng. Sau đó, Thiền sư đã về tìm hiểu thì mới biết được ý nghĩa cao đẹp và hành động cài hoa hồng lên ngực áo này.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã cho xuất bản tác phẩm "Bông hồng cài áo" và cứ thế, biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật bắt đầu được ra đời. Bông hồng biểu trưng cho sự tri ân, lòng hiếu thảo và biết ơn của những người con cháu đối với bậc sinh thành.
Mỗi màu hoa hồng được cài lên ngực áo mỗi người trong mùa lễ Vu Lan lại mang một ý nghĩa nhất định.
Mỗi màu bông hồng có một ý nghĩa riêng nhưng tất cả đều nhắc nhở chúng ta phải biết ơn đấng sinh thành. Nguồn ảnh: Internet
Trong buổi lễ Vu Lan, những ai còn cha mẹ sẽ được cài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ như một lời nhắc nhở mình vẫn còn đủ cha mẹ. Cha như Mặt Trời, mẹ như Mặt Trăng. Cha đôi khi gay gắt, nghiêm khắc nhưng luôn che chở cho con, luôn là ánh sáng để con nương tựa và phát triển mỗi ngày. Còn Mẹ dịu hiền, ấm áp giúp con vượt qua đêm tăm tối.
Những ai không may mất đi cha hoặc mẹ sẽ cài lên ngực bông hoa màu hồng. Còn những ai không may mất đi cả cha lẫn mẹ thì sẽ cài lên ngực bông hoa hồng trắng. Bông hồng trắng buồn thương nhưng thanh khiết, thay lời động viên con hãy sống thật tốt, sống có ý nghĩa dù đấng sinh thành vắng bóng. Có như thế những người ra đi tâm hồn mới cảm thấy an yên, thanh thản.
Riêng bông hồng màu vàng sẽ được cài lên các bậc chư tôn hiền đức. Theo Đạo Phật, màu vàng là màu của giải thoát, màu của tuệ giác, tượng trưng cho sự buông bỏ, giải thoát. Do đó, trong ngày Vu Lan người tu sĩ cũng muốn mượn màu sắc của hoa màu vàng để nói lên tinh thần đúng nghĩa của mùa Vu Lan là sự giải thoát.
Mỗi bông hồng được cài lên ngực áo của mình, chính là cách thể hiện lòng biết ơn bậc sinh thành, dù họ đã mất hay chưa. Chúng ta hãy đón nhận bông hồng trong nghi lễ “Bông hồng cài áo” một cách nâng niu, cảm nhận sự thiêng liêng, cẩn trọng khi cài lên ngực áo mình và đừng quên nhắc nhở bổn phận làm con, trách nhiệm hiếu đạo đối với bậc sinh thành.