09-04-2025 Việt Nam
MÙA LỄ VU LAN: “LÀM TRÒN TRỊA ĐẠO HIẾU, CHÚNG TA SẼ CÓ SUỐI NGUỒN YÊU THƯƠNG”

Mùa Vu Lan là mùa báo hiếu, đó là cái tinh hoa truyền thống rất cao quý của người Việt Nam. Trên con đường tu học làm người, đạo hiếu là tiêu chuẩn số một vì chúng ta ai cũng được làm con, rồi cũng được làm cha làm mẹ, được làm ông bà trong một gia đình huyết thống. Chính vì thế mà chúng ta kế thừa những tinh hoa, những truyền thống văn hóa của người Việt Nam.

Chúng ta đều phải nhận ra được một điều: Công ơn sinh thành dưỡng dục tổ tiên chúng ta đã ví như non cao, như biển rộng. Xong, từ lời dạy đến lời nói, hành động ứng xử để thể hiện là một người con có hiếu cũng còn nhiều điều để chúng ta phải luận đàm.

Phải làm tròn được đạo hiếu

Chúng ta thường nói, cái khó nhất khi tu học làm người từ lời nói đến việc làm và kết quả. Có những người học rất ngắn nhưng có những người rất dài. Thậm chí có những người đi hết cuộc đời mà vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ. Trong muôn vàn các mối quan hệ, người Việt Nam chúng ta có câu: “Thứ nhất tu tại gia”. Đây chính là mối quan hệ người với người trong gia đình huyết tộc, mà mối quan hệ đầu tiên chính là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

MÙA LỄ VU LAN: “LÀM TRÒN TRỊA ĐẠO HIẾU, CHÚNG TA SẼ CÓ SUỐI NGUỒN YÊU THƯƠNG”

Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh.

Sinh con, nuôi dưỡng con cái là lẽ tự nhiên của tạo hóa. Đó là bổn phận, là nghĩa vụ của bậc làm cha mẹ. Nhưng chúng ta phải hiểu được rằng, không phải dễ gì mà tổ tiên chúng ta lại có những câu ngạn ngữ: “Có nuôi con mới thấu lòng cha mẹ”. Khi khôn lớn và lập gia đình, sinh con, nuôi dạy con cái, chúng ta mới thấu hiểu được cái công ơn sinh thành và dưỡng dục của các đấng phụ huynh.

Vậy làm thế nào để làm tròn đạo hiếu? Một câu hỏi thật giản đơn nhưng theo tôi không dễ trả lời. Người con có hiếu là làm cho cha mẹ phải an và phải vui. Người con có hiểu là làm sao phải làm cho các bậc sinh thành yên tâm và tự hào về con cái. Một người con có hiếu là trong trái tim dù ở xa hay gần, dù lúc thành công hay hoạn nạn, dù lúc vui hay lúc buồn thì trái tim ấy phải có chỗ đứng của cha, của mẹ. Lý là vậy, lẽ là thế, nhưng tôi dám chắc một câu, không phải người con nào cũng làm được cái việc giản đơn này.

Vì thế trong một năm có 12 tháng, chiểu theo định luật của càn khôn, quy luật của trời đất, cộng với truyền thống văn hóa của từng quốc gia, từng vùng miền, thì theo truyền thống tín ngưỡng, chúng ta có tuần lễ Vu Lan, có rằm tháng 7 để chúng ta có một khoảng thời gian tri ân, tạ ơn tiên tổ, tri ân, tạ ơn công sinh thành dưỡng dục.

Có gia đình cha mẹ không còn nữa chúng ta phải làm gì? Có những gia đình cha mẹ vẫn còn, vẫn bên chúng ta, chúng ta phải làm gì để cho các bậc phụ huynh an tâm, an vui và tự hào về tác phẩm của mình? Cho nên, khi chúng ta đi học đạo thì tôi rất mong tất cả các quý vị chúng ta đồng quan điểm, đạo hiếu là công việc hàng đầu và làm tròn được đạo hiếu.

Đạo hiếu - Nôi nuôi dưỡng tình yêu thương và đức hạnh từ bi

Trong gia đình huyết thống, chúng ta làm tròn trịa được đạo hiếu thì khi bước chân ra khỏi nhà, gánh vác những trọng trách xã hội, chúng ta sẽ có cái tâm từ bi, chúng ta sẽ có suối nguồn yêu thương để chúng ta ứng xử với tất cả những người chúng ta có nhân duyên, chúng ta thường gặp hàng ngày trong một kiếp nhân sinh. Để mong rằng người với người sống để yêu nhau.

Đạo hiếu không chỉ còn ở trong gia đình huyết thống, mà còn là cái nôi để nuôi dưỡng tình yêu thương và đức hạnh từ bi. Khi con cháu chúng ta phương trưởng và hòa nhập vào xã hội, con cháu chúng ta sẽ làm, sẽ ứng xử đúng quy luật của tự nhiên và đấy cũng là một cách để chúng ta đền ơn, đáp nghĩa công sinh thành dưỡng dục, chúng ta sẽ góp một phần nhỏ bé để làm rạng danh ông bà tiên tổ.

Dù có làm bậc vương đế, có làm nhà chính trị, nhà khoa học, quản lý, làm doanh nhân, thầy giáo, làm thầy thuốc là trí, sĩ, công, nông, thương… thì chúng ta sẽ có một chức năng rất công bằng, đó là đạo làm con. Người con nào cũng có cha sinh, mẹ đẻ, cá biệt có những người đạo làm con còn thêm cả dưỡng phụ, dưỡng mẫu. Cho nên, đó là cái công việc mà chúng ta phải nghiêm khắc để trao đổi, để đàm đạo, để nhận biết và để tu dưỡng rèn luyện cho cái đạo hiếu, cái hạt thiện nó sáng lấp lánh trong con người chúng ta được tỏa rạng làm ấm lòng cha mẹ. Xin cảm ơn!

***Bài viết được trích dẫn từ chia sẻ của Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh luận đàm về lễ Vu Lan.