Nhận thư mới
Nhận các thông báo mới nhất từ chúng tôi
Lễ có từ khi nào?
Con người biết chắp tay bái tế thiên địa trời đất và những người sinh thành ra chúng ta có từ bao giờ, không ai phán xét được điều này. Rồi việc lễ còn phụ thuộc vào những thăng trầm của lịch sử, những quan niệm của tuỳ từng triều đại. Song, một điều kỳ lạ, con người biết chắp tay, biết lễ vẫn được kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ triều đại này sang triều đại khác.
Có thể nói, Lễ là một nghi thức tín ngưỡng chứa đựng tinh hoa của nhân loại và quan trọng hơn nữa, nó đúng quy luật hoàn hảo của trời và đất bởi vậy việc Lễ mới trường tồn. Bất kể điều gì không đúng quy luật chỉ có thể tồn tại một vương triều, một thế kỷ, một vài thế kỉ và chắc chắn sẽ bị đào thải.
Lễ là gì?
Trà dư tửu hậu rất nhiều nhưng rất ít khi chúng ta mang chủ đề này đàm đạo. Chúng ta gặp nhau chào hỏi, ứng xử với nhau giữa người với người là nhân sinh quan của trục ngang.
Còn khi đến chùa, đến đền, lễ Phật, lễ thánh, gióng một tiếng chuông, dâng một cây nhang là ta đã mang thân tâm mình nương nhờ âm ba của vũ trụ, thông qua tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng trống, đón các nguồn năng lượng khắp vũ trụ hội vào nơi mình đến. Khi ta thắp hương, thỉnh chuông hay điệu trống là chúng ta phát tín hiệu ngược chiều lên các giai tầng năng lượng trong vũ trụ. Trục ứng xử ấy là trục hướng thiên theo trục dọc.
Như vậy, Lễ là chúng ta đang quy tụ cái Tâm cái Tuệ của chúng ta để trở về với thế giới thiên nhiên. Mà con người vốn là sản phẩm của thiên nhiên, là sản phẩm của xã hội, là sản phẩm của gia đình và là tổng hòa các mối quan hệ vũ trụ. Do đó, Lễ, cũng chính là một nghi thức thể hiện ứng xử của cá nhân với Người mẹ thiên nhiên, người mẹ Vũ trụ vô tận trong Tâm Tuệ của chính mình!
Tại sao phải Lễ
Người Việt có tín ngưỡng còn gọi là Đạo thờ cúng tổ tiên - đây là một nét văn hóa, là một nghi lễ để chúng ta kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Con người chúng ta có rất nhiều người sống trong hiện tại, hướng đến tương lai và đã quên đi quá khứ. Vậy nếu tổ tiên là nhân, là gốc; nếu chúng ta là thân cây, là cành là cội; nếu con cháu chúng ta là lá, là hoa, là quả thì chúng ta chỉ làm hai phần hiện tại với tương lai, như vậy chưa đủ. Chúng ta còn phải biết nhìn đến cội nguồn.
Khoa học đã chứng minh, con người là sản phẩm của thiên nhiên. Nói theo cách của người hữu đạo, mẹ thiên nhiên vốn sinh ra ta, bao bọc, dưỡng nuôi ta. Mẹ thiên nhiên hiện hữu rộng lớn vô biên và gần gũi với ta trong từng hơi thở. Mẹ thiên nhiên thấu tỏ từng việc làm, từng ý nghĩ của chúng ta đến cỏ cây, hoa lá, chim muông muôn loài đều biết chúng ta ứng xử với sản phẩm của thiên nhiên bằng tâm thiện hay ác tâm ác. Nên Cội nguồn ở đây, gần nhất là tổ tiên, ông bà cha mẹ, rộng lớn hơn chính là Người mẹ thiên nhiên bao trùm cả vũ trụ này.
Những giây phút đi lễ là những thời khắc quý hiểm, nhỏ nhoi mà vô cùng quý báu. Đó là những giây phút chúng ta trở về với mẹ thiên nhiên. Trở về để làm gì? Để khẳng định, mình là sản phẩm của Ngài. Khi ta nhiều ham muốn quá là chúng ta càng bị xa rời mẹ thiên nhiên. Làm sao chúng ta phải tạo ra một thói quen không phải chỉ lúc chúng ta lễ mà chúng ta ở khắp mọi nơi, ở khắp mọi chỗ, thông qua công việc, được xã hội phân công, được thiên nhiên phân công, chúng ta hiểu rằng, ta đương làm phận sự, chúng ta đương làm thiên chức, chúng ta đương được làm người. Mà làm người khi chúng ta có hiểu có biết thì chúng ta mới trở thành người sống có nghĩa cho gia đình, xã hội. Chúng ta là của thiên nhiên chúng ta phải tri ân, cám ơn Mẹ thiên nhiên.
Lễ thế nào cho đúng
Bàn tay có 5 ngón, khi hành lễ, mỗi chúng ta phải nhớ đủ 5 nội dung này
Vì sao phải tạ ơn?
Chúng ta được Tổ tiên hun đúc cho dáng vóc, hình hài, được cha mẹ dưỡng nuôi, ơn sinh thành lớn như trời biển. Làm sao ta tạ ơn cho đủ? Chúng ta được mẹ thiên nhiên bao bọc, chở che, mẹ trao cho ta sự sống và Người cũng đón ta về khi thân ta hoà tan trong cát bụi. Thử hỏi có người con tử tế nào lại không tạ ơn Mẹ Thiên nhiên?
Ai cho ta năng lượng để thở, ai tặng ta những giọt nước ngọt lành để uống?... Đừng vì quen nhìn cơm áo gạo tiền, nhà cửa, quyền lực, tiền bạc, ham vui mà quên mất việc tri ân.
Tại sao phải sám hối?
Thân này, khẩu này, ý này, có những lúc chúng ta kiểm soát được và có những lúc chúng ta không kiểm soát được, thông qua công việc hàng ngày. Và lúc nào kiểm soát được là chúng ta thuộc bài, lúc nào mất kiểm soát là chúng ta không thuộc bài. Cho nên ta cần sám hối không phải từ đây mà là trong từng giây khắc cuộc đời.
Khi thành tâm sám hối thì tự nhiên tâm sáng, thiện căn sẽ khai mở!
Cầu nguyện điều gì?
Ai cũng có thể cầu nguyện những việc lớn đến việc nhỏ, những dự định, mục tiêu đặt ra với mong muốn mang lại sự tăng trưởng vật chấ hay sự vinh hiển cho dòng tộc, sự phồn vinh cho đất nước… Tuy nhiên, mọi ước nguyện ấy chỉ có thể viên thành khi kết quả ấy mang lại sự hoan hỉ và lợi lạc cho bản thân, gia đình, hay cộng đồng mà không làm tổn hại đến chúng sinh muôn loài.
Dù cầu nguyện điều gì, hãy nuôi cho cái Tâm luôn Từ bi! Hãy giữ cho bản tâm luôn tha thứ. Chỉ có như vậy, ước nguyện mới linh nghiệm.
Vì sao cần hứa?
Hứa là một “bản hiệp ước” nhất định phải có. Giống như ta muốn vay hạt thóc giống, ta phải hứa nhất định sẽ trả lại bông lúa thơm. Đó là luật công bằng trong vũ trụ và trời đất. Lời hứa giúp ta biết nhận ân và báo đáp, biết hoàn thành bổn phận mà không tham đắm trong lợi lạc, thoả mãn mong ước cá nhân mà dần dần làm mất đi bản tính thiện của mình.
Lễ vật và chứng lễ:
1 nén hương, 1 bát nước trang nghiêm với Tâm thành là lễ vật lớn nhất. Vì: Phật ở khắp mọi nơi. Thần tiên cũng ở trong nắng, trong gió, trong mây, trong mưa, trong các nguồn năng lượng tích cực đất trời. Tổ tiên ta cũng trong mọi cảnh giới siêu nhiên.
Do vậy, điều quan trọng nhất khi Lễ không nằm ở vật phẩm mà là ở việc Hướng Tâm.
Tạm kết:
Khi chúng ta Lễ, chúng ta không được quên một điều cơ bản là NHÌN VÀO MÌNH, vào gia đình mình, dòng họ mình. Để chúng ta chứng công hoặc chúng ta sám nguyện. Nếu chúng ta sống đúng đạo, đúng lời dạy của tổ tiên thì chúng ta “trình công báo đức”. Còn nếu như chúng ta sân si, rước khổ về nhà tạo khổ về nhà thì chúng ta phải trang nghiêm tĩnh lặng sám hối. Đây là nội dung CỐT TỬ để làm sao lễ có NGHĨA. Ý nghĩa này vô cùng lớn lao mà ai cũng cần phải THẤU HIỂU!
Một số hình ảnh của Buổi sinh hoạt lần thứ 5: